Ảnh minh họa

Louisa Muteti, Chủ tịch Hiệp hội nhân viên hộ sinh Kenya, lo ngại rằng số ca tử vong của bà mẹ và trẻ em ở nước này có thể tăng trong thời gian giới nghiêm. Bà cho biết, 68% bà mẹ sinh con ở Kenya được tiếp cận với những nhân viên có chuyên môn. Những người khác sinh con tại nhà bằng cách nhờ bà đỡ hoặc tự mình sinh con. Nhiều trường hợp tử vong không chính thức được ghi nhận. Đặc biệt, giao thông và an ninh là những thách thức lớn nhất trong thời gian giới nghiêm, đặc biệt là ở những khu vực nghèo khó.

Veronica Atieno, một sản phụ chuyển dạ trong thời gian giới nghiêm do dịch Covid-19 ở Kenya, cho biết không có phương tiện giao thông công cộng hay tư nhân nào có thể đưa cô đến bệnh viện để sinh con. Cô phải nhờ đến bà đỡ. Atieno cho biết, cô cảm thấy thật may mắn khi sống sót sau khi sinh đứa con thứ hai mà không phải đến bệnh viện. Sau tám giờ vượt cạn, cô đã hạ sinh một em bé khỏe mạnh tên là Shaniz Joy Juma.

Có nhiều phụ nữ mang thai trên khắp Kenya cũng trong hoàn cảnh tương tự như Atieno, khiến nguy cơ tử vong của sản phụ ở đây tăng cao. Điều này đã thôi thúc bác sĩ Jemimah Kariuki, thuộc Bệnh viện Quốc gia Kenyatta, làm một điều gì đó. Cô đã chia sẻ số điện thoại của mình trên Twitter để những phụ nữ cần tư vấn về việc mang thai có thể liên hệ. Dòng tweet nhanh chóng được lan truyền. "Tôi nhận được một lượng lớn phản hồi, khoảng 30-40 cuộc gọi", Kariuki cho biết.

Bác sĩ Jemimah Kariuki

Kariuki bắt đầu theo dõi các phương tiện và dịch vụ có thể giúp đưa các sản phụ đến cơ sở y tế nhưng các dịch vụ này rất hạn chế vì đã có nhiều trường hợp bị phạt liên quan đến việc thực thi lệnh giới nghiêm. Kariuki đã liên hệ với các công ty và tổ chức nhà nước để được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ miễn phí như vận chuyển và nhân viên y tế. Sau đó, Bộ Y tế, Đại học Nairobi phối hợp với dịch vụ taxi Bolt và những cơ quan khác đã nỗ lực cung cấp dịch vụ chuyên chở miễn phí, mang tên "Wheels for life" (tạm dịch: Chuyến xe nghĩa tình), giúp đỡ hàng trăm sản phụ ở Kenya.

Để sử dụng dịch vụ áp dụng trong thời gian giới nghiêm từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng, những người có nhu cầu có thể gọi đến tổng đài miễn phí 1196. Ngoài việc đưa phụ nữ đang chuyển dạ đến bệnh viện, dịch vụ này còn là cầu nối cho những người mang thai và bác sĩ có thể tư vấn và trao đổi trực tiếp.

Kariuki cho biết, dịch vụ đã xử lý 10.950 cuộc gọi trong 100 ngày qua trong khi 890 phụ nữ được đưa đến bệnh viện vì nhiều vấn đề khi mang thai. Cô cho biết, dịch vụ sẽ tiếp tục ngoài giờ giới nghiêm, hướng đến những người dân có thu nhập thấp và ở ngoài quận Nairobi. Hầu hết người sử dụng dịch vụ này đến từ khu định cư không chính thức hoặc khu vực thu nhập thấp.

Kim Ngọc (Nguồn: washingtonpost.com)