Nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ vì Covid-19 (Ảnh minh họa)
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong đại dịch COVID-19 diễn ra ngày 8/9, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tính đến ngày 31/8/2021 có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 trẻ em.
Trong đó, ca nhiễm tập trung phần lớn ở các tỉnh thành phía Nam. TP HCM có số nhiễm cao nhất khoảng 3.000 em; gần 250 em mồ côi, cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ.
Dịch bệnh cũng lây lan vào 7/39 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn TP.HCM, tại các cơ sở này tập trung nhiều trẻ em có sức khỏe yếu, khuyết tật, mắc bệnh nền, nên đe doạ đến tính mạng của trẻ. Nguy cơ lây lan và biến các cơ sở này thành các điểm nóng dịch bệnh rất cao.
Tại Hà Nội, chỉ trong tháng 7, có khoảng 5% số trường hợp mắc COVID-19 là trẻ em dưới 5 tuổi.
"Điều đáng lo ngại là nhiều trẻ rơi vào cảnh mất người thân, dễ dẫn đến sang chấn tâm lý", ông Nam cho biết.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH)
Theo ông Đặng Hoa Nam, dịch bệnh không chỉ đe doạ tới sức khoẻ, tính mạng của trẻ em, nhiều trẻ em trong các khu cách ly, phong toả bị tách khỏi bố mẹ, người thân… đã ảnh hưởng cả tới tâm lý, tâm thần của trẻ em. Cũng vì dịch bệnh, các em phải học trực tuyến, trong khi điều kiện tiếp cận của các em chưa đồng đều, nhiều trẻ em khó khăn không đủ điều kiện để sắm trang thiết bị công nghệ học tập trực tuyến, dẫn tới bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Ước tính có 4,4 triệu trẻ em bị gián đoạn giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, trẻ em ở nhà, trong các khu cách ly tập trung cũng đối mặt nhiều nguy cơ gia tăng xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích.
Về hỗ trợ trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19, theo ông Nam, ngoài các chính sách hỗ trợ tiền ăn đã và đang triển khai để đảm bảo về dinh dưỡng cho trẻ, cơ quan chuyên trách về trẻ em còn phối hợp với các tổ chức quốc tế tuyên truyền, xây dựng các quy chuẩn chăm sóc trẻ em trong dịch bệnh.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên các khó khăn, mối nguy hiểm với trẻ em kể trên sẽ còn tiếp diễn, cần thêm các giải pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt hơn.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà dẫn trường hợp chính con mình, dù đã 11 tuổi nhưng sau thời gian dài chỉ ở nhà do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã có những biểu hiện thay đổi về tâm lý và sức khoẻ. Chẳng hạn, mắt có biểu hiện sưng hơn do ngồi máy tính học trực tuyến nhiều, có biểu hiện tăng động hơn với một số hành vi có thể dẫn tới thương tích.
“Điều quan trọng nhất hiện nay là sớm có giải pháp để mở cửa trở lại trường học, đặc biệt cấp tiểu học và trung học cơ sở. Bên cạnh các giờ học trực tuyến, giáo viên cần kết hợp tư vấn, hỗ trợ về tâm lý cho trẻ, để giảm tác động tiêu cực.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm hơn tới trẻ, hướng dẫn con học, vì học trực tuyến khác rất nhiều trực tiếp, nếu không hướng dẫn thêm sẽ khó đạt chất lượng dạy và học. Trẻ em học trực tuyến cũng dễ mắc các vấn đề như tăng động, sang chấn tâm lý, nên các bậc phụ huynh và giáo viên cần hết sức quan tâm”, bà Hà nói.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội nghị
Cũng theo bà Hà, các chính sách hỗ trợ trẻ em cũng cần địa phương triển khai nhanh hơn, ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em đủ điều kiện… Về phía Bộ LĐ-TB&XH, bà Hà cho hay, sẽ nghiên cứu báo cáo Chính phủ bổ sung các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo giadinhonline