Tình trạng trẻ em bị gián đoạn tiêm ngừa những căn bệnh hiểm nghèo đã đến mức báo động - Ảnh: RT

Theo Liên Hợp Quốc, do bị gián đoạn tiêm ngừa quá lâu, nhiều trẻ em ở Pakistan và Yeman hiện đang mắc bệnh sởi khá nặng với số lượng tăng nhanh thành một đợt bùng phát dịch, và tình trạng này nếu kéo dài sẽ có khả năng dẫn đến nhiều đợt dịch bệnh nguy hiểm nữa ở nhiều nước khác trên thế giới.

“Tình trạng trẻ em bị gián đoạn tiêm ngừa những căn bệnh hiểm nghèo đã đến mức báo động và đang tạo ra những hậu quả thật sự”, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo trong một cuộc trực họp tuyến mà tại đó ông đã công bố một chiến lược tiêm chủng mới trên phạm vị toàn cầu.

Theo người đứng đầu WHO, chiến lược này, cùng với nhiều biện pháp khác, sẽ hướng đến mục tiêu giảm một nửa số trẻ không được tiêm chủng bất cứ một liều nào từ 20 triệu xuống 10 triệu. Giám đốc tiêm chủng của WHO - Kate O'Brien cũng cho biết thêm việc thực hiện đồng bộ các biện pháp này sẽ có thể giúp thế giới tránh được đến 50 triệu ca trẻ em tử vong từ nay đến năm 2030.

So với năm 2020, thế giới đã đạt được một số tiến bộ trong việc quay lại lộ trình tiêm chủng bình thường cho trẻ em vốn đã bị đình lại do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hơn 1/3 trong số 135 quốc gia tham gia khảo sát của WHO cho biết vẫn đang còn gặp khó khăn trong hoạt động này.

“Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, đã có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy chúng ta đang bắt đầu mất kiểm soát trong việc đẩy lùi những căn bệnh nguy hiểm ở trẻ em mà lẽ ra có thể phòng ngừa được thông qua tiêm chủng, với khoảng 20 triệu trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ những liều vắc-xin quan trọng. Và đại dịch COVID-19 lại càng làm cho tình hình này trở nên tồi tệ hơn”, Henrietta Fore, Giám đốc điều hành của UNICEF, cảnh báo trong một thông cáo chung với WHO và liên minh vắc-xin GAVI.

Qua khảo sát, WHO đã phát hiện có ít nhất 60 chương trình tiêm chủng đại trà ở 50 quốc gia, trong đó hơn một nửa là các nước châu Phi, đang bị tạm hoãn, khiến khoảng 228 triệu người, chủ yếu là trẻ em, có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng có thể phòng ngừa được. Trong số các chương trình tiêm chủng bị tạm hoãn có 23 chương trình liên quan đến phòng bệnh sởi - một trong những căn bệnh dễ lây lan nhất thế giới, gây ra nguy cơ mắc bệnh cho khoảng 140 triệu trẻ em.

Theo phunuonline