Hôm 9/1, cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS), thuộc Liên minh châu Âu (EU), vừa công bố dữ liệu và phân tích cho thấy, có khả năng hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ tệ hơn vào đầu năm 2024, thậm chí giới hạn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp có thể bị vượt qua chỉ trong 12 tháng tới.
|
|
Người dân quan sát vụ cháy rừng McDougall Creek ở vùng Tây Kelowna, tỉnh British Columbia, Canada, vào ngày 17/8/2023 - Ảnh: Getty Images |
Giới khoa học thường cảnh báo về giới hạn 1,5 độ C. Theo đó, dù khí hậu trái đất đã tăng so với thời kỳ tiền công nghiệp (từ năm 1750 trở về trước), nhưng chỉ cần mức chênh lệch không quá 1,5 độ C, thì sự nóng lên chưa tới mức nguy hiểm. Vượt qua giới hạn này, nhiều hệ sinh thái trên trái đất sẽ lâm nguy và sức nóng mùa hè ở một số nơi sẽ quá khả năng sống sót của con người.
Dữ liệu do CAMS cho thấy, kết thúc năm 2023, trái đất đã nóng hơn 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nghĩa là thế giới chỉ còn cách ngưỡng khí hậu quan trọng khoảng 0,02 độ C.
CAMS cho biết, mỗi ngày trong năm 2023 đều có nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng hơn ít nhất 1 độ C so với ngày tương ứng trong thời kỳ 1850-1900, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra.
CAMS lưu ý, thế giới cần hơn 45 năm, từ 1970 đến 2015, để nhiệt độ toàn cầu nóng hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng chỉ cần 8 năm tiếp theo để vượt thêm 0,48 độ C, tạo thành kỷ lục chênh lệch 1,48 độ C khi kết thúc năm 2023. Giai đoạn 1991 - 2020 vốn đã ghi nhận hiện tượng trái đất ấm lên, nhưng vẫn kém khoảng 0,6 độ C so với mức nhiệt trung bình của năm vừa qua.
CAMS cho biết thêm, nhiệt độ bề mặt nước biển năm 2023 lên cao nhất trong lịch sử, hơn 0,44 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020, và chênh lệch đáng kể so với năm 2016, cao hơn 0,26 độ C so với giai đoạn 1991 - 2020.
Liz Bentley - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia Vương quốc Anh (RMS) - cho biết, chỉ mới vài tháng trước, cộng đồng khoa học còn dự đoán sự nóng lên toàn cầu trong năm 2023 sẽ giới hạn trong khoảng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Bà Bentley cho biết, mỗi tháng trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 12 trong năm 2023 đều là tháng nóng nhất được ghi nhận, so với các tháng tương ứng trước đó. Riêng tháng 7 và tháng 8 lần lượt là tháng nóng nhất và nóng nhì trong lịch sử.
“Mức tăng này đến sớm hơn nhiều người mong đợi. Thay vì mô hình gia tăng tuyến tính như dự báo từ trước, chúng ta giờ đang chứng kiến khí hậu trái đất nóng lên theo cấp số nhân” - bà Bentley nói.
Cuối năm 2023, tại Hội nghị khí hậu COP 28, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã lần đầu tiên đồng ý với quá trình giảm dần và tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng khí hậu. Giới phê bình cho rằng, thỏa thuận này vẫn chưa thật sự ràng buộc các quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn.
Theo Thanh niên