Mặc dù vậy, đạo diễn Đặng Nhật Minh luôn khiêm tốn. Ông bảo, mục tiêu làm phim duy nhất và lớn lao nhất của ông chính là an ủi những người có số phận thiệt thòi. Niềm hạnh phúc của ông là được ngồi xuống viết những gì đang nghĩ và hiện thực hóa thành phim bằng ngôn ngữ điện ảnh dễ hiểu nhất. Phần thưởng lớn nhất của ông không phải là các giải thưởng về điện ảnh hay nghệ thuật ông được trao tặng từ các tổ chức trong và ngoài nước mà là khán giả, đặc biệt khán giả nước ngoài, sau khi xem phim thêm hiểu và thêm yêu con người Việt Nam.
|
Cảnh trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười |
Với quan niệm như trên và phong cách làm phim giản dị nhưng tinh tế, chú trọng chi tiết, Đặng Nhật Minh đã thành công khi đưa những con người đời thường nhất, những số phận thiệt thòi vào trong phim ông. Bằng cách đặt họ trong những hoàn cảnh tréo ngoe, bối cảnh biến động khác nhau, từ thời hậu chiến đến thời đổi mới, ông làm bật lên được tính cách, tình cảm của họ, những giằng co, mâu thuẫn nội tâm.
Rất nhiều thân phận trong phim Đặng Nhật Minh là phụ nữ. Điều này cũng như nền văn học đậm tính nữ của Việt Nam, bởi họ chính là những người chịu nhiều thương tổn và thiệt thòi nhất, dù ở giai đoạn nào của lịch sử. Và cũng có lẽ là sự trùng hợp vô tình, đa phần những phụ nữ trong phim Đặng Nhật Minh đều mòn mỏi đợi chờ người thân yêu. Trước nỗi mất mát của người vợ có chồng hy sinh nơi chiến trận, trước nỗi tuyệt vọng vì chờ đợi, họ vẫn bám víu vào tia hy vọng mong manh. Họ kìm nén, âm thầm chịu đựng nỗi cô đơn, chống chếnh của người ở lại. Họ có thể khóc lóc, buồn khổ và khát khao yêu thương nhưng không gục ngã hay yếu đuối. Họ đã sống và nghĩ cho rất nhiều người khác trước khi sống cho mình. Tuy nhiên, trên hết, điều đáng quý nhất nằm ở góc nhìn đầy cảm thông và sẻ chia của đạo diễn với từng phận người.
Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) khắc họa nỗi đau của Duyên từ lúc chị đi thăm chồng ở chiến trường và được tin chồng mất. Rất nhiều thủ pháp điện ảnh đã được đạo diễn sử dụng để mô tả tình thế đầy dằn vặt của Duyên: vừa giả vờ vui vẻ trong niềm vui của người vợ gặp lại chồng từ chiến trường, vừa cố giấu nỗi đau mất chồng để động viên người cha chồng ốm yếu, vừa nuôi hy vọng mong manh rằng tin báo là giả.
Đặng Nhật Minh nói, ông viết kịch bản Bao giờ cho đến tháng Mười xuất phát từ nỗi đau của gia đình ông và rất nhiều gia đình khác có người thân ngã xuống trong chiến tranh. Câu chuyện về mất mát của người Việt Nam thời hậu chiến đã chạm đến trái tim khán giả nhiều thế hệ trong và ngoài nước. “Đi đến tận cùng của con người để gặp được nhân loại”, năm 2008, Bao giờ cho đến tháng Mười được đài CNN vinh danh là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại, cùng những phim kinh điển của các tên tuổi lớn như Akira Kurosawa (Nhật Bản), Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc), Vương Gia Vệ (Hồng Kông, Trung Quốc), Bong Joon-ho (Hàn Quốc), Apichatpong Weerasethakul (Thái Lan)...
|
Cảnh trong phim Cô gái trên sông |
Không giống những đạo diễn cùng thời, Đặng Nhật Minh làm phim từ kịch bản do ông viết, về những vấn đề ông quan tâm và những câu chuyện khiến ông rung động. Ông không mô tả không khí thời cuộc mà đi sâu vào những thân phận, những góc khuất, tâm hồn và bản năng của con người bằng cái nhìn đa chiều. Nguyệt - cô gái bán hoa trong Cô gái trên sông (1987) có trái tim yêu thương và tâm hồn trong vắt hệt cái tên của cô. Chính bản năng che chở, yêu thương đã khiến Nguyệt cứu giúp người chiến sĩ đang bị truy đuổi, rồi đẩy cô vào cảnh bị giày vò thể xác. Nhưng, nỗi đau thể xác có hề gì so với niềm hy vọng đã được người chiến sĩ thắp lên trong cô. Chiến tranh qua đi, cũng chính niềm hy vọng ấy đã hắt thẳng vào cô gáo nước lạnh khi Nguyệt bị người chiến sĩ năm xưa - nay đã trở thành một lãnh đạo cấp cao - từ chối gặp mặt.
Cô gái trên sông mang tính đột phá lớn về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật ở thời điểm đó khi dám đề cập đến vấn đề nhạy cảm, về cách đối nhân xử thế trong xã hội. Tấm lòng của Nguyệt là hình ảnh của những người mẹ, người chị trong thời chiến - sẵn sàng hy sinh cho lẽ phải họ tin là đúng, không cần đòi hỏi đền đáp. Đó là thứ tình cảm không vụ lợi và thuần khiết nhất. Trong bộ phim này, còn hình ảnh một phụ nữ nhận được sự cảm phục - nhà báo Mai Liên. Thay vì tán đồng với cách hành xử của chồng, cô chọn nhìn thẳng vào sự thật. Sự cương trực và quyết liệt khi đấu tranh cho lẽ phải, cho quyền của nhóm yếu thế nơi Mai Liên trở thành diện mạo điển hình của phụ nữ hiện đại.
|
Đạo diễn Đặng Nhật Minh |
Lấy bối cảnh buổi đầu thời kinh tế thị trường, Thương nhớ đồng quê (1995) - 1 trong 2 bộ phim Đặng Nhật Minh không viết kịch bản từ ý tưởng gốc của chính ông - xoay quanh Ngữ - người phụ nữ làng quê quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời có chồng đi làm ăn xa; Nhâm - em chồng Ngữ, chàng trai nhạy cảm mới lớn - và Quyên - người đàn bà từng trải suýt chết khi vượt biên, phải kết hôn với một người Mỹ để có quốc tịch. Mối quan hệ này không tồn tại trong nguyên tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Dù là nhân vật chính của phim nhưng Ngữ không có nhiều thoại. Cô được khắc họa qua ánh mắt và hành động gắn với công việc ở làng. Cũng như mẹ chồng và nhiều phụ nữ khác ở làng, Ngữ quanh năm làm lụng, chẳng đi đâu rời làng, chẳng có ước mơ gì. Có chồng như góa bụa, mòn mỏi vì chờ đợi, xót xa tuổi xuân trôi, Ngữ chẳng biết bấu víu vào ai ngoài Nhâm. Cô và nhiều người ở làng, đặc biệt là phụ nữ, mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, thất học, tha hương cầu thực, mắc kẹt trong chính cái làng của mình trước làn sóng kinh tế thị trường ập đến với nhiều thay đổi khó lường.
Quyên là hình mẫu mà Ngữ và Nhâm đều hướng đến. Ở Quyên có sự phóng khoáng, tự chủ và dám theo đuổi ước mơ. Đoạn cuối phim, Ngữ rời làng đi tìm chồng như một cuộc vùng thoát khỏi ngột ngạt. Không ai biết cô có gặp được không, chỉ thấy cô trở về tiễn Nhâm nhập ngũ. Cánh thư Nhâm thả trên đường hành quân bay lơ lửng. Ở làng, Ngữ dừng cấy, ánh mắt xa xăm chờ đợi như tích hòn vọng phu. Đây có lẽ là cái kết phim buồn nhất, vương vấn nhất.
|
Poster phimThương nhớ đồng quê |
Nếu có phim của đạo diễn Việt Nam nào gây tiếng vang và đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế nhất, chắc chắn là phim Đặng Nhật Minh. Nhưng nếu có phim của đạo diễn Việt nào từng nhiều lần bị kiểm duyệt, xét đi xét lại thì đó cũng là phim Đặng Nhật Minh.
Tuy nhiên, những điều xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim, đã trả lại cho phim Đặng Nhật Minh những gì vốn có. Đây có lẽ là 3 phim tiêu biểu nhất khắc họa rõ nét hình ảnh người phụ nữ Việt với tư duy nghệ thuật mới mẻ, dù mục tiêu làm phim của ông không hướng đến điều đó. Sự ấm áp mỗi bộ phim ông mang lại là niềm tin, lòng son sắt, nỗi khát khao và cả sự bao dung toát ra từ người phụ nữ. Thời gian có thể làm phôi pha nhiều thứ nhưng phim Đặng Nhật Minh chính là hạt bụi vàng, mỗi ngày thêm lấp lánh.
Theo phụ nữ TPHCM