Cứ mỗi 10 năm Trung Quốc sẽ tổng điều tra dân số. Với hầu hết mọi người, đây chỉ là một khó chịu nhỏ, nhưng với Chai Yuanyuan (tên đã được thay đổi), đó là nguồn gốc của sự lo lắng cực độ.
Người phụ nữ 37 tuổi ở Bắc Kinh chia sẻ, cuộc điều tra này sẽ khám phá bí mật của gia đình cô. Tháng 3/2019, Chai sinh con gái thứ ba. Kể từ đó vợ chồng cô cố gắng giấu con kín nhất có thể, phòng trường hợp bị phạt. Họ chưa bao giờ dám đăng ảnh con lên mạng xã hội. Bạn bè và đồng nghiệp đều không biết sự tồn tại của đứa trẻ.
"Chồng tôi có một đồng nghiệp cùng khu phố. Anh ấy không bao giờ dám đưa con gái đi dạo ở tầng dưới. Anh ấy sợ đụng phải đồng nghiệp", Chai nói.
Mặc dù đã bỏ chính sách một con vào năm 2015, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và dân số già nhanh. Song, đất nước này vẫn chưa thoát khỏi hệ thống kế hoạch hóa gia đình cũ, người sinh con thứ ba phải đối mặt với tiền phạt nặng, các viên chức nhà nước đôi khi bị sa thải và đưa vào danh sách đen.
Với Chai và chồng cô - cả hai đều làm việc trong doanh nghiệp nhà nước - nguy cơ mất việc là có thật. Họ thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi rằng ai đó sẽ báo cáo với phòng kế hoạch hóa gia đình. Chai cũng lo ngại những người tham gia cuộc điều tra dân số có thể chuyển thông tin chi tiết của họ cho các nhà chức trách. Cặp vợ chồng hy vọng một ngày nào đó, với việc nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát sinh đẻ, họ có thể được "ân xá".
Một người phụ nữ đi qua khẩu hiệu kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Sixthtone.
Ngày càng nhiều chuyên gia và quan chức kêu gọi bãi bỏ quy định chỉ được sinh hai con, cho rằng nó sẽ giúp thúc đẩy tỷ lệ sinh đang giảm mạnh của đất nước. Năm 2018, cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc đệ trình đề xuất xóa bỏ giới hạn sinh. Một số chính quyền địa phương đã có những bước đi riêng để xóa bỏ chế độ kế hoạch hóa gia đình. Chẳng hạn, ít nhất 9 tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp công bãi bỏ quy định sa thải nhân viên vì sinh con thứ ba.
Ở Bắc Kinh, các quy tắc vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, việc thực thi đã trở nên lỏng hơn . Công ty Chai phát hiện cô mang thai lần nữa đã yêu cầu cô nộp thông tin chi tiết về hộ khẩu của gia đình. Chai làm theo và lo lắng đây là khởi đầu của quá trình kỷ luật. Song thực tế không ai nói gì về trường hợp của cô nữa. "Tôi nghĩ họ chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của mình, trong trường hợp bất kỳ ai từ phía chính quyền hỏi về gia đình tôi", cô chia sẻ.
Đối với công ty của Chai, việc theo dõi con cái của nhân viên dường như không còn được ưu tiên nữa. Giống như hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, công ty cô có văn phòng kế hoạch hóa gia đình riêng, song đang bị thu hẹp. Nhân viên ở phòng kế hoạch nói Chai là trường hợp đầu tiên có con thứ ba. Rất ít người có ý định sinh con thứ ba.
Sau khi sinh, Chai cũng rất ngạc nhiên vì dễ dàng hoàn thành thủ tục đăng ký hộ khẩu cho con gái. Khi cô đã đảm bảo hộ khẩu của con, Chai nhận được cuộc gọi chính quyền khu dân cư yêu cầu cô xác nhận tình hình đứa con thứ ba. Một lần nữa không có gì xảy ra sau cuộc trao đổi này. Theo luật, gia đình Chai có thể phải đóng tiền phạt, tại các thành phố có thể lên đến 100.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên cô đã không bị nộp phạt.
Ở một số nơi Bắc Kinh đã cắt giảm nhân viên văn phòng kế hoạch hóa gia đình hoặc đổi tên thành "văn phòng dân số và phát triển gia đình". Chai nói: "Tôi nghĩ họ đang làm ngơ trước vấn đề này. Ở các thành phố lớn của Trung Quốc, số người muốn có con thứ hai, chưa nói đến đứa thứ ba, rất thấp".
Tại thời điểm này, lo lắng của Chai là các quan chức kế hoạch hóa gia đình cấp cao hoặc sếp của chồng biết bí mật gia đình cô. Nếu cuộc điều tra diễn ra suôn sẻ, gia đình cô có thể hoàn toàn thoát khỏi sự trừng phạt.
Tuy nhiên, những gia đình sinh con thứ ba khác lại không may mắn như vậy. Vợ chồng Wang Feng, một cư dân ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông sinh em bé thứ ba vào tháng 1/2018 và cũng nghĩ rằng mình đã tránh được tiền phạt trước những thay đổi chưa rõ ràng của nhà nước. Nhưng đến tháng 5 năm nay, tài khoản ngân hàng của Wang đột ngột bị đóng băng và chính quyền địa phương yêu cầu cô phải đóng phí "bảo trì xã hội" 320.000 tệ (1,1 tỷ đồng), vì sinh 3 con. "Chúng tôi đã dự đoán sẽ có một khoản tiền phạt, nhưng không thể ngờ là cao đến mức này", cô nói.
Đối với gia đình Wang, hình phạt này là "vô cùng tàn khốc". Gia đình bảy người, bao gồm hai người lớn tuổi và ba đứa trẻ, 2 người già sống chỉ bằng mức lương 10.000 tệ /tháng của chồng cô (34 triệu đồng).
Sau khi trường hợp của Wang thu hút sự chú ý trên các phương tiện truyền thông, các quan chức địa phương nói gia đình có thể trả góp trong vòng ba năm. Tuy nhiên, họ từ chối miễn tiền phạt, hoặc bỏ phong tỏa tài khoản ngân hàng. "Vấn đề vẫn chưa được giải quyết," Wang thở dài.
Một đại diện chính quyền quận Phiên Ngung, Quảng Châu, cho biết họ không có kế hoạch ngừng thu phí bảo trì xã hội, mặc dù họ đã giảm đáng kể mức tiền phạt kể từ năm 2018. "Đó không phải là quyết định có thể được đưa ra bởi một quận. Đó là luật quốc gia", một quan chức nói. Các quan chức ở Hoàng Phố và Thiên Hà, nội thành Quảng Châu cũng xác nhận vẫn phạt sinh con thứ 3 như thường.
Một cuộc điều tra năm 2019 của The Paper phát hiện hàng trăm gia đình vi phạm các quy tắc kế hoạch hóa gia đình. Phần lớn, tòa án ra phán quyết có lợi cho chính quyền địa phương.
Ngày càng có nhiều chuyên gia và quan chức kêu gọi bãi bỏ quy tắc sinh hai con, cho rằng nó sẽ giúp thúc tỷ lệ sinh đang giảm mạnh của đất nước. Ở một số nơi đã cắt giảm nhân viên văn phòng kế hoạch hóa gia đình hoặc đổi tên thành "văn phòng dân số và phát triển gia đình". Liang Jianzhang, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh là người ủng hộ mạnh mẽ đề xuất bãi bỏ hình phạt với gia đình sinh hơn hai con. Đối với ông, việc trừng phạt các cặp vợ chồng sinh con thứ ba là phản tác dụng vào thời điểm tỷ lệ sinh ngày càng giảm và đang đe dọa tương lai kinh tế lâu dài của Trung Quốc.
Giáo sư Ding Jinhong, Viện Nghiên cứu Dân số, cho biết nên cắt bỏ các phòng kế hoạch hóa gia đình ở một địa phương, công sở. Thay đổi sẽ cho phép Trung Quốc tránh được khoản chi phí khổng lồ. Các nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh ước tính từ năm 1997 đến 2012, Trung Quốc đã chi hơn 800 tỷ nhân dân tệ cho công tác kế hoạch hóa gia đình, phần lớn số tiền này sẽ được chi cho chi phí hành chính và phần thưởng cho các gia đình tuân thủ các quy tắc.
Đến hiện tại số phận gia đình ba con ở Trung Quốc vẫn khó đoán.
Theo vnexpress