Người dùng mạng Trung Quốc mới đây phát hiện hãng H&M đăng tải bản đồ mà theo họ là "không hiển thị đúng về lãnh thổ Trung Quốc". Các tài khoản weibo đăng bài yêu cầu thương hiệu này bổ sung đường lưỡi bò với dòng chú thích "Bản đồ Trung Quốc không thể sai".

Tờ AP sau đó đưa tin, cơ quan quản lý Trung Quốc hôm 2/4 thông báo website của thương hiệu thời trang H&M đã đồng ý thay đổi "bản đồ có vấn đề" sau những chỉ trích trên. Chính quyền thành phố cho biết: "Người dùng Internet đã báo cáo với ban quản lý trang web của H&M rằng có tồn tại 'bản đồ có vấn đề về Trung Quốc', và Cục Quy hoạch thành phố Thượng Hải yêu cầu nhanh chóng sửa chữa nó".

H&M "đã sửa" sau khi được triệu tập, hãng cho biết trên tài khoản mạng xã hội.

Một người đàn ông cầm ô đi ngang qua cửa hàng quần áo H&M tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh hôm 26/3.

 

Động thái được đưa ra giữa bối cảnh H&M đứng trước sức ép bị tẩy chay tại quốc gia tỷ dân sau những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và phương Tây liên quan đến vấn đề tại khu tự trị Tân Cương.

Trong thông báo, chính quyền thành phố Thượng Hải không nêu ra các chi tiết cụ thể, nhưng theo AP, các thương hiệu bị áp lực phải thay đổi một số điều, trong đó có các khu vực nhạy cảm khác mô tả trên web của họ. Trên mạng xã hội, người dùng cho rằng H&M đã sửa bản đồ Trung Quốc từ không có đường lưỡi bò sang hiển thị đường lưỡi bò.

Phía H&M chưa đưa ra phản hồi.

Người dùng Internet Việt Nam giận dữ với hành động đăng tải hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò" của H&M. Hàng nghìn bình luận bằng cả tiếng Việt, Trung Quốc, Anh trên website của hãng, yêu cầu hãng đính chính thông tin. "Tẩy chay H&M", "Bản đồ H&M đăng tải là phi nghĩa", "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam", "Yêu cầu H&M giải trình"... là những bình luận được để lại.

Cộng đồng mạng Việt giận dữ trước động thái của H&M, đòi tẩy chay.

 

"Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".

Theo Ione