Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Cải thiện tính sẵn có và khả năng tiếp cận dễ dàng của các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp dành cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trong bối cảnh Đại dịch Covid-19” do UN WOMEN Viet Nam tài trợ.

Nội dung buổi hội thảo chia sẻ về thực trạng phụ nữ di cư lao động nước ngoài; thực trạng và giải pháp cho công tác tư vấn, hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực/ buôn bán (từ nước ngoài). Hội thảo cũng thảo luận về việc làm thế nào để cải thiện công tác tư vấn, hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, buôn bán (từ nước ngoài).

Hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực, buôn bán tại nước ngoài
Quang cảnh hội thảo.

Tham vấn ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực bình Bình đẳng giới và hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực/ buôn bán nhằm hoàn thiện tài liệu hướng dẫn.

Trong đó, chia sẻ tài liệu hướng dẫn về điều phối, chuyển tuyến dịch vụ, hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực, buôn bán (tại nước ngoài) do chuyên gia biên soạn.

PGS.TS Nguyễn Lân Trung - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam tại nước ngoài cho biết, phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài có một lực lượng cô dâu đông đảo, nhất là ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Ông Trung đề xuất 4 giải pháp có thể tháo gỡ vấn đề chủ động về phía các cô dâu. Trước tiên là cần phải làm sao để họ nhận được dịch vụ môi giới hôn nhân hợp pháp, biết rõ về chú rể cũng như gia cảnh của họ, được kết hôn chính thức, được pháp luật của cả 2 nước bảo vệ. Thứ hai là phải hiểu về đất nước, con người, văn hoá của nước sở tại. Thứ ba là phải học ngôn ngữ của họ để hoà nhập cuộc sống. Thứ tư là có thông tin đầy đủ về các kết nối trợ giúp pháp lý.

"Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng phối hợp với Hội LHPN Việt Nam chia sẻ dịch vụ để giúp phụ nữ di cư nước ngoài được hiệu quả nhất. Có thể phối hợp mở các khoá học, tập huấn cung cấp thông tin, cảnh báo cho chị em những bất trắc có thể xảy ra, trực tiếp hoặc online. Về trợ giúp pháp lý, Đoàn Luật sư Việt Nam kết nối với Đoàn luật sư các nước là kênh có thể giúp cho Hội LHPN Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Lân Trung chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thương, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Tổng số người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản lên đến gần 500.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản. Vì thế, bà Lê Thương mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ từ các cơ quan ban, ngành của Việt Nam với hội đoàn tại Nhật để hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, buôn bán được tốt hơn.

"Hội đoàn người Việt ở Nhật Bản là nơi gần gũi là kênh thông tin nhanh nhất ngoài cơ quan đại diện cùng phối hợp để giúp phụ nữ khi có vấn đề bạo lực xảy ra. Cũng như hỗ trợ để đưa về nước an toàn để tái hòa nhập, ổn định tâm lý".

Hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực, buôn bán tại nước ngoài
Bà Lê Thương (bên trái) cho biết, Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ mọi hoạt động hoạt động của các cơ quan trong nước.

Bà Lê Thương kiến nghị thường xuyên có các lớp tập huấn cho cán bộ hội đoàn phụ nữ các nước để tăng cường kiến thức hiểu biết, hỗ trợ và tham vấn tâm lý cho phụ nữ tại quốc gia mình sinh sống, từ đó sẽ hỗ trợ được công dân toàn diện và. Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ mọi hoạt động của các cơ quan trong nước.

Số liệu trong 10 năm qua của Ngôi nhà Bình yên, thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, khi cung cấp dịch vụ tham vấn cho 14.000 lượt người về các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ, phòng chống bạo lực giới thì có gần 400 vụ việc liên quan đến phòng chống mua bán người và di cư, trong đó 66,2% bị bóc lột tình dục, bị xâm hại tình dục; 13,46 % phụ nữ bị mua bán vì mục đích lao động, đặc biệt, có tới 11,2% vừa bị bóc lột tình dục, vừa bị bóc lột sức lao động.

Theo thoidai