Hóa ra Đông Nam Á là cái nôi của loài gà toàn thế giới
Cập nhật lúc 15:53, Thứ tư, 01/07/2020 (GMT+7)
Cuộc nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên dựa trên trình tự bộ gien đầy đủ của loài gà đã giúp xác định nguồn gốc của loài gia cầm phổ biến nhất thế giới, theo đó chúng xuất phát từ Đông Nam Á hoặc nam Trung Quốc.
Phát hiện mới về nguồn gốc loài gà có thể giúp giải thích tại sao con người rất thích loài gia cầm này - AFP
Loài gà cung cấp nguồn protein lớn nhất cho loài người, với khoảng 24 tỉ cá thể trên toàn thế giới. Vậy mà suốt hơn 2 thế kỷ, giới sinh học vẫn chật vật chưa tìm ra lời giải bằng cách nào loài gà xuất hiện trên bề mặt địa cầu.
Giờ đây, cuộc nghiên cứu do các chuyên gia của Viện Động vật học Côn Minh (Trung Quốc) đã đưa ra kết luận: người thời xưa ở miền bắc Đông Nam Á hoặc miền nam Trung Quốc đã nuôi gà vào khoảng năm 7.500 trước công nguyên.
Làn sóng di dân và thương giới đã đưa loài gia cầm này đi khắp châu Á và đến tất cả các lục địa trên bề mặt địa cầu, trừ Nam Cực.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn đi ngược lại với các báo cáo trước đó vốn cho rằng loài gà bắt đầu xuất hiện ở miền bắc Trung Quốc và thung lũng lưu vực sông Ấn”, trưởng nhóm Ming-Shan Wang trình bày trên chuyên san Cell Research.
Họ cũng phát hiện tổ tiên chính của loài gà hiện đại là loài phụ của một giống gà rừng đỏ có tên khoa học là Gallus gallus spadiceus.
“Rõ ràng đây là một cuộc nghiên cứu đóng vai trò bước ngoặt”, theo nhà khảo cổ học Dorian Fuller của Đại học Cao đẳng London (Anh), không tham gia nỗ lực trên.
Chuyên gia Fuller bổ sung kết quả rút ra từ cuộc nghiên cứu này có thể mang đến manh mối về sự xuất hiện của nông nghiệp và hệ thống kinh doanh giao thương thời đầu trong lịch sử loài người.
Theo thanhnien