|
|
Hành khách làm thủ tục tại khu vực của Hãng hàng không Ryanair ở sân bay Adolfo Suarez Madrid Barajas, Madrid, Tây Ban Nha ngày 24/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Hoạt động hàng không tại Tây Ban Nha vốn đã hỗn loạn trong những ngày qua, lại càng trở nên khó khăn khi phi hành đoàn của hai hãng hàng không EasyJet và Ryanair lại cùng tiến hành đình công.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, nhiều du khách đến hoặc đi từ Tây Ban Nha trong ngày 15/7 đã phải đối mặt với tình trạng hoãn hủy chuyến bay khi cuộc đình công của hãng EasyJet tiếp tục kéo dài, trong khi Ryanair cũng bắt đầu cuộc đình công ngày đầu tiên.
Các công đoàn đại diện cho người lao động cho biết tính đến chiều 15/7, tại Tây Ban Nha, đã có 28 chuyến bay bị hủy và 123 chuyến bị hoãn.
Phần lớn các chuyến bay bị ảnh hưởng là của hãng Ryanair, với 22 chuyến hủy và 90 chuyến hoãn, trong khi EasyJet có 6 chuyến hủy và 33 chuyến hoãn.
Các sân bay bị ảnh hưởng nhiều nhất là Palma, Alicante, Ibiza, Madrid, Santiago de Compostela và Valencia.
Ngoài các ngày 15 và 16/7, hiện các phi hành đoàn Ryanair dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành đình công vào các ngày từ 18-21/7 và từ 25-28/7. Trong khi đó, nhân viên EasyJet cũng dự kiến đình công vào các ngày 17 và từ 29-31/7.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 16/7, Fraport AG - Đơn vị điều hành sân bay Frankfurt - thông báo do tình trạng thiếu nhân sự liên tục gây ra sự cố gián đoạn trên diện rộng các hoạt động bay, Fraport AG sẽ tìm cách cắt giảm số lượng chuyến bay từ sân bay được coi là lớn nhất nhì châu Âu này.
Theo đó, Fraport sẽ gửi đơn lên Bộ Giao thông Vận tải Đức vào đầu tuần tới để xin giảm số chuyến bay từ 96 xuống 88 chuyến/giờ.
Ông Jens Ritter, quan chức Lufthansa, hãng hàng không quốc gia Đức sử dụng sân bay Frankfurt như “sân nhà” cho biết quyết định của nhà điều hành là đúng đắn.
Trong một tuyên bố cùng ngày, ông Ritter khẳng định việc buộc phải hủy hoãn chuyến bay đang khiến hàng nghìn hành khách thất vọng, thậm chí gây thêm rất nhiều công việc phát sinh cho nhân viên cũng như hàng triệu euro chi phí bổ sung.
Lufthansa là 1 trong những hãng phải hủy nhiều chuyến bay nhất với hàng nghìn chuyến trong những tuần qua, trong đó rất nhiều chuyến đến và đi từ Frankfurt. Do đó việc giảm số chuyến bay trong bối cảnh “quá tải hàng không” là cần thiết tại thời điểm hiện nay.
Nhu cầu đi lại cả đường bộ và đường không đã tăng trở lại sau khi các biện pháp hạn chế phòng chống dịch bệnh COVID-19 được gỡ bỏ.
Không chỉ Frankfurk, nhiều sân bay và hãng hàng không châu Âu khác cũng đang phải vật lộn với tình trạng tắc nghẽn và thiếu hụt nhân viên, dẫn đến việc xếp hàng dài và gián đoạn đi lại trong giai đoạn cao điểm mùa Hè.
Kể từ đầu mùa Hè, hoạt động biểu tình, đình công đã diễn ra tại nhiều ngành dịch vụ ở châu Âu, trong đó nhiều nhất là ngành hàng không.
Không chỉ do thiếu nhân viên, mà các cuộc đình công đòi tăng lương diễn ra trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao khiến đời sống gặp khó khăn.
Tuần trước, các hãng hàng không đã buộc phải thông báo hủy 25.378 chuyến bay trong lịch trình tháng 8 tới, trong đó có 15.788 chuyến ở châu Âu./.
Theo vietnamplus