Ảnh minh hoạ

 

Hệ thống dữ liệu cá nhân của mỗi học sinh gồm tên, tuổi, giới tính, thành phố cư trú cùng số điện thoại, nghề nghiệp của bố mẹ các em. Thông tin này bị một tổ chức địa phương tại Giang Tô bán cho một công ty trung gian. Hồ sơ của một học sinh được bán với giá thấp nhất là 0,06 nhân dân tệ (khoảng 300 đồng).

Theo cảnh sát thành phố Từ Châu, tỉnh Tô Giang, những dữ liệu này tiếp tục được công ty trung gian bán cho các trung tâm giáo dục trực tuyến. Những nơi này sẽ gửi thông tin tuyển sinh, ưu đãi và gọi điện thuyết phục bố mẹ trẻ đăng ký khóa học cho con mình.

Mỗi lần có học sinh đăng ký, công ty trung gian sẽ được nhận thêm "tiền hoa hồng". Học sinh lớp 12 có nhu cầu học thêm ngoài giờ để ôn thi đại học nên những trung tâm này thường tìm được nhiều học viên.

Từ tháng 1, hoạt động này bị cảnh sát theo dõi và ra lệnh bắt giữ một số nghi phạm của công ty trung gian vào ngày 16/3.

Việc rò rỉ thông tin cá nhân trên Internet là vấn đề phổ biến tại Trung Quốc. Nhà chức trách thường xuyên phát động các chiến dịch bảo vệ người dùng nhưng chưa hiệu quả. Tháng 10/2019, Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc ban hành quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em trên mạng. Quy định này đã nâng cao mức độ bảo vệ cần thiết đối với việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chuyển giao và tiết lộ thông tin cá nhân của trẻ em, học sinh trong nước.

Tuy nhiên, vào tháng 1/2020, Victor Gevers, nhà nghiên cứu bảo mật của Quỹ GDI, đã tìm thấy cơ sở dữ liệu của một trường trung học tại Trung Quốc với đầy đủ khuôn mặt học sinh, đặc điểm nhận dạng, mã số và định vị của các em.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cùng ba cơ quan chính phủ khác đã thảo luận về sáng kiến "Trung Quốc kỹ thuật số", nhằm xây dựng Luật Bảo vệ thông tin cá nhân. Theo đó, luật mới này đề xuất mức phạt lên tới 50 triệu nhân dân tệ (gần 180 tỷ đồng) hoặc 5% doanh thu hàng năm nếu công ty nào mua bán thông tin bất hợp pháp.

Theo vnexpress