Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Luật pháp Chính sách, TƯ Hội LHPN Việt Nam,
phát biểu tại Diễn đàn.
Đó là chia sẻ của Đại diện Hội LHPN Việt Nam tại Diễn đàn pháp luật lần thứ 2 năm 2018 với chủ đề “Thi hành pháp luật bảo vệ người nghèo vào nhóm yếu thế trong lĩnh vực tư pháp”.
Diễn đàn này do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Liên Minh Châu Âu và Cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì, tổ chức. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao… là những khách mời đóng góp, chia sẻ tham luận, ý kiến về chủ đề lần này.
Cũng tại Diễn đàn này, Thẩm phán Chu Xuân Minh (TAND Tối cao) đánh giá cao mô hình tòa gia đình và trẻ vị thành niên đang triển khai ở nước ta.
Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Luật pháp Chính sách, TƯ Hội LHPNVN, đã có những chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của Hội trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho những người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Trong quá trình xây dựng, thi hành những bộ luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, Hội LHPN Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ. Như việc tuyên truyền, vận động phụ nữ, người dân chấp hành pháp luật; Tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, mua bán người; Dạy nghề, tín dụng, tiết kiệm, tạo việc làm; Phối hợp với các cơ quan để bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân và kiến nghị những biện pháp cần thiết đến cơ quan chức năng. Giám sát việc thực thi luật pháp, chính sách liên quan tới bảo vệ phụ nữ, trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng.
Tới nay, các cấp Hội đã tổ chức hơn 4.000 cuộc giám sát việc thực hiện các quy định của luật phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần quan trọng vào việc tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Các ý kiến tại Diễn đàn đã cùng nhau nhìn lại hệ thống pháp luật hiện hành về bảo vệ người nghèo và nhóm yếu thế; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, những kinh nghiệm từ thực tiễn của địa phương, bộ, ngành; những thành tựu trong lĩnh vực pháp luật dành cho nhóm yếu thế.
Đề cập tới vai trò giám sát của Quốc hội trong thi hành pháp luật về bảo vệ người nghèo và nhóm yếu thế, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã chỉ ra những hạn chế trong xây dựng pháp luật liên quan tới các đối tượng này như một số quy định không phù hợp thực tiễn (chế độ bảo trợ người cao tuổi, người khuyết tật; quy định liên quan tới người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, về cai nghiện bắt buộc, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình…). Đồng thời còn thiếu một số Luật chuyên ngành điều chỉnh các vấn đề về chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhóm người chuyển giới, người làm công tác xã hội chuyên nghiệp. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với một số bộ phận nhóm người yếu thế; chất lượng dịch vụ hỗ trợ bảo vệ các đối tượng này còn hạn chế; một bộ phận người yếu thế còn ỷ lại vào các chính sách…
Đặc biệt, bà Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh, ngoài các hoạt động can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG), thực hiện chức năng đại diện, khi có các vụ việc vi phạm quyền phụ nữ, trẻ em gái xảy ra, Hội có các kiến nghị tới các cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý kịp thời để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em.
Tại Diễn đàn lần này, đại diện Hội LHPN Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn việc bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em và người yếu thế. Cụ thể, chủ đề hoạt động năm 2019 của Hội là "An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái", vì thế Hội mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng để thực hiện tốt hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em; Nâng cao các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị BLTCSG phải áp dụng kiến thức, kỹ năng và thực hành nghề công tác xã hội để bảo vệ nạn nhân tốt hơn…