leftcenterrightdel
 Nỗi đau mất người thân và nhà cửa của một phụ nữ Lebanon

Quân đội Israel đã tiến hành các cuộc không kích vào những địa điểm liên quan nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon nhiều ngày qua. Bộ Y tế Lebanon thông báo đã 558 người chết và 1.800 người bị thương ngày 23/9. Đây là ngày đẫm máu nhất của Lebanon trong nhiều thập niên kể từ cuộc nội chiến năm 1975 - 1990. Theo Bộ trưởng Y tế Lebanon Firas Abiad, có hơn 140 trẻ em và phụ nữ đã thiệt mạng.

Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích dữ dội trên khắp Lebanon trong ngày đẫm máu nhất đối với quốc gia này kể từ ít nhất là cuộc chiến năm 2006 giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Hơn 250 máy bay chiến đấu đã tham gia chiến dịch tập kích, thả khoảng 2.000 quả đạn. Lực lượng Israel nhắm vào khoảng 1.600 mục tiêu liên quan đến Hezbollah ở khoảng 200 vị trí khác nhau trên lãnh thổ Lebanon.

leftcenterrightdel
Israel không kích Lebanon 

Nỗi kinh hoàng và tuyệt vọng bao trùm người dân Lebanon khi bom của Israel giết chết 558 người, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em, nhân viên y tế và làm bị thương hơn 1.800 người khác. Tính đến hết ngày 25/9, 50 trẻ em và 95 phụ nữ đã bị thiệt mạng. Phần lớn nạn nhân trong các cuộc tấn công của Israel là thường dân không có khả năng tự vệ trong nhà của họ. Điều này bác bỏ tuyên bố của Israel rằng chỉ nhắm vào các chiến binh Hezbollah.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết xung đột leo thang ở Lebanon sẽ là “thảm họa”. “Chỉ riêng ngày 23/9, ít nhất 35 trẻ em đã thiệt mạng ở Lebanon. Con số này còn nhiều hơn số trẻ em thiệt mạng ở Lebanon trong 11 tháng qua (22 em). Vô số trẻ em đang gặp nguy hiểm, phải hứng chịu các cuộc tấn công liên tục, phải rời bỏ nhà cửa và không thể dựa vào một hệ thống y tế quá tải và thiếu nguồn lực. Nếu chúng ta quay trở lại một cuộc xung đột, giống như những ngày đen tối của năm 2006, tôi lo ngại rằng lần này có thể còn tồi tệ hơn đối với trẻ em Lebanon", bà Ettie Higgins - Phó đại diện UNICEF tại Lebanon - nói. 

leftcenterrightdel
 Nỗi đau mất người thân và nhà cửa của phụ nữ Lebanon

Người dân mô tả cảnh tượng các tòa nhà sụp đổ và thị trấn bị bỏ hoang. Các cuộc tấn công trên cũng khiến hàng chục nghìn người Lebanon phải bỏ nhà cửa tìm chỗ trú ẩn. Một tổ chức phi chính phủ của Lebanon cho biết 112.000 người đã phải di dời. Nhiều gia đình từ miền Nam Lebanon chất đầy đồ đạc lên ô tô, xe tải và đôi khi nhiều thế hệ cùng lên một chiếc xe. Giữa cảnh "mưa bom" trút xuống là những đứa trẻ ngồi chen chúc trong lòng cha mẹ và những chiếc vali được buộc trên nóc xe. Đường cao tốc phía Bắc nước này đã bị tắc nghẽn. Thủ đô Beirut đã cung cấp nơi ở cho khoảng 10.000 người. Các trường học, trường dạy nghề trở thành những trung tâm lưu trú tạm thời.

leftcenterrightdel
Nhà cửa tan hoang sau không kích 

Một số quốc gia đã cảnh báo các cuộc không kích làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn và đã kêu gọi áp lực quốc tế khẩn cấp để hạ nhiệt tình hình. Sự leo thang ngày càng gia tăng đã một lần nữa đưa khu vực này đến bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện. 

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 79 ngày 24/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo về tình hình căng thẳng tại Lebanon, nơi đang có nguy cơ trở thành một "Gaza thứ hai" giữa cuộc xung đột của Israel với Hezbollah, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Ông Guterres nói: “Người dân đang phải trả giá - số người chết ngày càng tăng, cuộc sống và cộng đồng tan vỡ”. Ông đồng thời cho biết thêm rằng đây là thời điểm cho một nền hòa bình công bằng dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

leftcenterrightdel
Người già, trẻ em chạy loạn tìm nơi trú ẩn 

Trong khi đó, UNICEF khẩn thiết kêu gọi giảm leo thang ngay lập tức và tất cả các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế để đảm bảo bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự và dân thường, bao gồm trẻ em, phụ nữ, nhân viên nhân đạo và nhân viên y tế. UNICEF đã chuyển 100 tấn vật tư y tế khẩn cấp đến các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. 

Nhu Thụy/Nguồn: UNICEF, Palestine Chronicle