Người dân xòe tay xin đồ cứu trợ từ xe cảnh sát tại một khu trại ở Palu, Indonesia.
Một người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia hôm nay cho biết số nạn nhân thiệt mạng đã được xác nhận trong thảm họa động đất, sóng thần trên đảo Sulawesi đã tăng từ 1.274 lên 1.407 người, theo
AFP.Gần 200.000 người,, trong đó có hàng chục nghìn trẻ em, tại khu vực thảm họa cần được giúp đỡ khẩn cấp, Văn phòng Nhân đạo Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết. Tổ chức này ước tính gần 66.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại bởi trận động đất và sóng thần hôm 28/9.
Trong khi nhà chức trách nỗ lực tìm kiếm và chôn cất thi thể người chết, những người sống sót đang vật lộn với đói khát, thiếu lương thực, nước sạch và bệnh viện địa phương trở nên quá tải.
Dù chính phủ Indonesia tuyên bố đủ sức ứng phó với tình hình sau thảm họa và yêu cầu các đội cứu trợ nước ngoài "nhường bước", LHQ lại thể hiện sự giận dữ với tiến triển chậm chạp trong hoạt động cứu trợ của Jakarta.
"Vẫn còn nhiều khu vực rộng lớn có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng chưa được tiếp cận", Jens Laerke, quan chức văn phòng nhân đạo LHQ tại Geneva, nói. "Các đội cứu hộ đang đẩy mạnh tìm kiếm, họ đang làm hết sức".
Tại thành phố Palu, nơi sóng thần cuốn trôi 60% nhà cửa, xe cộ và hơn 130.000 người thiệt mạng, cảnh sát phải bắn chỉ thiên và dùng hơi cay cảnh cáo những người muốn cướp bóc cửa hàng.
Khi những người sống sót đi nhặt nhạnh đồ đạc còn sót lại trên phố, họ tìm thấy ngày càng nhiều người chết hơn. "Vẫn còn nhiều thi thể kẹt dưới đống dổ nát. Chúng tôi không rõ có bao nhiêu. Ưu tiên hiện giờ là tìm và cứu người", Willem Rampangilei, người đứng đầu Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia, cho hay.
Thiếu túi đựng xác
Thiếu máy móc, thiết bị hạng nặng là một trong những khó khăn
trong công tác cứu hộ tại Indonesia
Nhà chức trách dự đoán số người chết sẽ tiếp tục tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được những khu vực bị cô lập trong thảm họa. Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN tại Indonesia cho biết nhu cầu túi đựng xác đang "rất cần kíp" bởi e ngại các thi thể phân hủy có thể gây ra dịch bệnh.
Nỗ lực cứu hộ bị hạn chế bởi thiếu máy móc hạng nặng, đường sá hư hỏng, quy mô thiệt hại quá lớn và chính phủ Indonesia chấp nhận một cách miễn cưỡng sự trợ giúp từ nước ngoài.
"Chính phủ Indonesia có kinh nghiệm, được trang bị tốt trong ứng phó thiên tai, nhưng đôi khi, cũng giống như mọi quốc gia khác gặp hoạn nạn, sự giúp đỡ từ bên ngoài là điều cần thiết", Mark Lowcock, điều phối viên quỹ cứu trợ của LHQ, cho hay.
Hôm 3/10, Australia thông báo cử một đội y tế tới vùng thảm họa và chi 5 triệu USD tiền viện trợ. Dù chính quyền đảm bảo sẽ hỗ trợ những người sống sót, sự tuyệt vọng vẫn hiện hữu trên đường phố Palu - nơi người sống sót trèo qua đống đổ nát với hy vọng tìm kiếm được bất kỳ thứ gì hữu dụng.
Một đám đông tụ tập quanh vài tòa nhà còn điện, hoặc xếp hàng đợi nước sạch, tiền mặt hoặc xăng dầu được xe cảnh sát đưa tới. "Chính phủ, Tổng thống đã tới đây, nhưng cái chúng tôi thực sự cần bây giờ là thức ăn và nước uống", Burhanuddin Aid Masse, 48 tuổi, nói.
Cảng Palu, điểm trung chuyển hàng viện trợ chính, bị hư hại nặng nề. Bến tàu vẫn còn, nhưng nhiều cần cẩu và trang thiết bị cần thiết để dỡ hàng đã hỏng do động đất.
Nhiều cộng đồng ở vùng hẻo lánh không kịp nhận viện trợ do các nguồn lực đang chủ yếu tập trung vào Palu. Dọc con đường tới Donggala, thị trấn lớn gần tâm chấn động đất, cảnh tượng như ngày tận thế. Hầu như không khu vực nào còn bằng phẳng.
"Xin đừng tập trung tất cả vào Palu", Farid, 48 tuổi, một người dân Donggala cầu xin. "Chúng tôi ở Donggala chẳng có gì cả".
Indonesia là đất nước không xa lạ với thiên tai. Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương - nơi có nhiều hoạt động kiến tạo nhất thế giới, địa điểm đầy núi lửa hùng vĩ và đất đai màu mỡ, nhưng 260 triệu người dân quốc gia này rất dễ bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần và núi lửa phun trào.
Một trận động đất lớn năm 2004 đã kích hoạt trận sóng thần khiến 220.000 người trong khu vực, bao gồm 168.000 người ở Indonesia, thiệt mạng.
Theo VNExpress