Khi xung đột tiếp diễn ở Sudan, bệnh viện cùng trang thiết bị y tế trở thành mục tiêu bị tấn công, cướp phá. Bên cạnh đó, LHQ nhấn mạnh, tình hình bạo lực căng thẳng đang buộc nhiều thai phụ không thể rời nhà. Điều này đồng nghĩa họ không thể tìm kiếm các dịch vụ khám thai, sinh nở và chăm sóc sức khỏe sau sinh an toàn.

Những người bị bỏ lại

Báo cáo điều tra của LHQ cho thấy, thủ đô Khartoum hiện có 219.000 thai phụ đang bị đe dọa sau khi cạnh tranh quyền lực giữa các phe phái bùng nổ. Khoảng 24.000 người dự kiến sinh con trong vài tuần tới đây.

leftcenterrightdel
 Khói lửa bao trùm thủ đô Khartoum khi cuộc nội chiến chính thức nổ ra - Ảnh: GettyImages

Trung tuần tháng 4 vừa qua, các cuộc giao tranh bắt đầu nổ ra giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) sau vài tuần giằng co trước đó. Cả hai phe đều sở hữu quân số hơn 100.000 người, gây quan ngại về danh tiếng bạo lực.

Lãnh đạo quân sự Sudan cho biết, đã có ít nhất 400 người thiệt mạng trong bối cảnh xung đột hiện nay. LHQ công bố, khoảng 20.000 người đã trốn chạy khỏi quốc gia này.

Hiện trạng của những người đang mắc kẹt lại không mấy khả quan. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiết lộ, nhiều bệnh viện tại Sudan đã bị cướp phá, xe cứu thương và đội ngũ nhân viên y tế cũng bị tấn công, cướp bóc.

Ở Khartoum, đến nay có 20 bệnh viện bị buộc đóng cửa. Trên khắp cả nước, 12 bệnh viện vẫn duy trì hoạt động tạm thời. Thế nhưng phía quản lý cho biết, họ đang chật vật vì nguồn cung điện, nước lẫn nhân lực đều thiếu hụt trầm trọng. Nguồn máu dự trữ, thiết bị truyền máu và thiết bị y khoa cần thiết khác cũng ở mức cạn kiệt – một điều đặc biệt đáng ngại với các đối tượng bệnh nhân nhạy cảm như thai phụ.        

Nguy hiểm “ngay trên đường phố”  

Laila Baker, giám đốc quản lý khu vực Ả Rập của Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) chia sẻ về tình hình Sudan: “4 ngày trước, một bệnh nhân nữ mắc kẹt giữa một cuộc giao tranh trong lúc trên đường đến bệnh viện sinh nở. Chúng tôi cứu được thai nhi, nhưng đã để mất người mẹ”. Bà nói mọi người phải mạo hiểm tính mạng ngay trên đường phố.

leftcenterrightdel
 Một em bé người Sudan may mắn chào đời khỏe mạnh sau ca sinh khó. Nhưng người mẹ đã chết.

UNFPA đang thiết lập một đường dây nóng kết nối các thai phụ với nhân viên hộ sinh, như một nỗ lực giúp họ an tâm “vượt cạn” trong tình trạng xung đột căng thằng. Tuy nhiên, UNFPA lo ngại đường dây liên lạc có thể gặp trục trặc nếu nội chiến kéo dài.

“Chúng tôi rất lo về gần 220.000 thai phụ đang lưu lại Khartoum. Chúng tôi không có cách nào giúp đỡ họ. Nơi đây cũng không có dịch vụ sinh nở an toàn”, bà Baker cho biết.

Theo thông tin từ CNN, vụ pháo kích hôm 18/4 nhắm vào một bệnh viện tại thủ đô Sudan đã khiến một bệnh nhi 6 tuổi tử vong, 2 trẻ khác bị thương nặng. Một nhân viên y tế tại hiện trường tiết lộ, họ phải cân nhắc chạy trốn trong khi “bỏ lại hàng loạt trẻ sơ sinh còn đang trong lồng ấp và bệnh nhân cần theo dõi đặc biệt”.  

Áp lực bạo lực từ bên ngoài gây ra tâm lý lo âu cho sản phụ trong thai kỳ. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc phát triển não bộ, hệ miễn dịch của trẻ hoặc làm tăng nguy cơ sinh non, thậm chí sẩy thai. UNFPA cảnh báo, nếu tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn, toàn bộ hệ thống y tế của Sudan có thể sụp đổ và hàng trăm ngàn thai phụ cùng thai nhi sẽ phải chịu chung thảm cảnh.

Theo phụ nữ TPHCM