Chia sẻ tại Hội thảo về An toàn, An ninh mạng Việt Nam 2020, sáng 10/11, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho biết hoạt động giả danh tòa án hoặc công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có xu hướng tăng mạnh.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Công an ghi nhận 540 vụ lừa đảo với thủ đoạn này tại 56 địa phương. Mặc dù đã có nhiều biện pháp tuyên truyền để người dân cảnh giác, tình trạng này vẫn tiếp diễn. "Có những vị là giáo sư cũng bị lừa với số tiền rất lớn", Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Cương cho biết.

Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Ảnh: Thanh Phong

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là gọi điện giả danh cơ quan thực thi pháp luật, thông báo rằng người dùng liên quan đến các vụ việc nghiêm trọng, như rửa tiền. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến một số tài khoản ngân hàng với lý do "để cơ quan điều tra giám định, nếu không có vấn đề gì sẽ trả lại". Khi tiền được chuyển đến các tài khoản này, chúng sẽ thuê người rút hết tiền ra.

Các nhà mạng tại Việt Nam đã liên tục gửi tin nhắn cảnh báo về tình trạng lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh. VNPT nhận định cuối năm sẽ là thời điểm "nóng" của các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại và mạng xã hội. Ngoài việc gọi điện mạo danh công an hoặc tòa án, một hành vi khác cũng thường xuyên được sử dụng là nháy máy từ đầu số nước ngoài, nhằm dụ người dùng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn.

Việc mạo danh này được Bộ Công an xếp vào nhóm Tội phạm sử dụng không gian mạng để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, cùng nhóm với nhiều thủ đoạn khác, như mua bán vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, giấy tờ giả...; truyền bá ấn phẩm đồi trụy qua các hội nhóm trên Zalo, Facebook.

Ngoài việc sử dụng Internet để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, nhiều hành vi nguy hiểm khác cũng được phát hiện và ghi nhận trong năm 2020, như nhiều trang mạng, blog, tài khoản Facebook đăng thông tin xấu độc, xuyên tạc; tội phạm mạng tấn tấn công website, hoặc giả mạo cổng thông tin của các cơ quan nhà nước để tung tin sai sự thật; sử dụng tin tức liên quan đến dịch bệnh Covid-19 để dụ cài mã độc...

Theo vnexpress