Tiêm vắc xin Covid-19 cho các nhân viên Nhà máy Toyota tại Tây Virginia, Mỹ - AFP

Hãng AFP ngày 27.3 đưa tin các nước trên thế giới đã tiêm tổng cộng hơn 510 triệu liều vắc xin Covid-19, với cách biệt đáng kể về tiến độ giữa các nước. Bất chấp nỗ lực đẩy mạnh tiến độ phân phối và tiêm vắc xin, đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành tại nhiều nơi, nhất là châu Âu và khu vực Mỹ Latin với hơn 300.000 ca tử vong ở Brazil và 200.000 ca tử vong ở Mexico.

Việc tiêm vắc xin diễn ra không đồng đều khi Mỹ đã tiêm hơn 1/4 số vắc xin đã triển khai trên toàn cầu, và các nước nghèo đang bị tụt lại phía sau. Hiện Mỹ đã tiêm 133 triệu liều và Trung Quốc đã tiêm 91 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi quyên góp khẩn cấp 10 triệu liều vắc xin để hàng chục nước nghèo có thể bắt đầu tiêm cho các nhân viên y tế và người cao tuổi trong vòng 2 tuần tới. “Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn cấp tính của đại dịch”, chuyên gia kỹ thuật Maria Van Kerkhove của WHO cảnh báo và nhấn mạnh rằng việc quyên góp vắc xin là rất cần thiết để tất cả các nước có thể bắt đầu tiêm trong vòng 100 ngày đầu năm 2021.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều nước phải áp dụng các lệnh giới nghiêm, phong tỏa, hạn chế đi lại và đóng cửa trường học, gây xáo trộn đời sống và thiệt hại kinh tế nặng nề. Kenya trở thành quốc gia châu Phi mới nhất thông báo lệnh phong tỏa một phần, đóng cửa các trường học, quán bar tại khu vực thủ đô Nairobi từ ngày 26.3. Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cho rằng việc không hành động sẽ khiến thiệt hại còn lớn hơn. Còn tại Ấn Độ, số ca mắc Covid-19 tăng khiến bang Maharashtra công bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm từ ngày 28.3.

Liên quan nỗ lực chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX, khoảng 180 trong số 193 thành viên LHQ đã cam kết đảm bảo việc tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19, nhưng đến nay việc phân phối vẫn còn nhiều cách biệt giữa các nước. Bản tuyên bố do Li Băng khởi xướng với sự tham gia của nhiều nước đã ký kết COVAX nhấn mạnh về nhu cầu đoàn kết toàn cầu và hợp tác đa phương nhằm tăng cường sản xuất, phân phối vắc xin ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Theo WHO, 177 quốc gia và nền kinh tế đã bắt đầu tiêm vắc xin và chỉ trong 1 tháng, COVAX đã phân phối hơn 32 triệu liều vắc xin đến 61 nước.

Theo thanhnien