leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thứ tư, từ trái qua) tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội. (Ảnh: NVCC) 

Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN được xác định là một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN. Bà có đánh giá gì về vai trò của hợp tác văn hóa ASEAN trong những năm qua?

Có thể thấy, một trong những nhân tố có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển văn hóa của ASEAN chính là cội nguồn bản sắc văn hoá của khu vực. Ngay từ khi thành lập, ASEAN đã chú trọng tăng cường các hoạt động giao lưu văn hoá, nâng cao hiểu biết về các nền văn hoá trong ASEAN và ngoài khu vực.

ASEAN huy động các nguồn lực khác nhau, bao gồm các nguồn lực của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để cùng với Quỹ Văn hoá ASEAN duy trì và làm phong phú thêm hoạt động văn hoá quan trọng.

Thời gian qua, hợp tác văn hóa ASEAN đã được triển khai hiệu quả trong các cơ chế hợp tác đa phương khác nhau, như Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa nghệ thuật ASEAN (AMCA), Hội nghị Quan chức cấp cao phụ trách văn hóa nghệ thuật ASEAN (SOMCA), Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (COCI), Tiểu ban Văn hóa ASEAN (SCC)…cùng nhiều dự án hợp tác văn hóa với sự tham gia hiệu quả của cả 10 nước thành viên.

Các quốc gia cùng nhau nỗ lực xây dựng một Cộng đồng Văn hóa-xã hội gắn kết, một điểm đến thu hút đầu tư, thương mại và du lịch, là nền tảng và động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho khu vực.

Bên cạnh hợp tác nội khối, hợp tác giữa ASEAN với các nước đối thoại là một nhu cầu tất yếu, rất được coi trọng. Hoạt động hợp tác văn hóa góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, củng cố tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước ASEAN và các nước ASEAN với các nước đối thoại.

Đâu là thành tựu nổi bật nhất của trụ cột hợp tác quan trọng này?

ASEAN được biết đến là một khu vực có nền văn hóa đa dạng, phong phú trên thế giới. Giá trị nổi bật của ASEAN sau 55 năm hình thành và nỗ lực phấn đấu chính là tinh thần cộng đồng làm nên bản sắc “Thống nhất trong đa dạng”.

Hơn nửa thế kỷ đồng hành đã thực sự đưa các nước thành viên ASEAN gắn kết bên nhau, những khác biệt ban đầu dần nhường chỗ cho đối thoại, hợp tác, thấu hiểu và sẻ chia. Những kết quả hợp tác văn hóa góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN trở thành chỗ dựa tinh thần của 10 nước thành viên.

ASEAN là một gia đình, một mái nhà chung, nơi các thành viên đặt niềm tin. Với việc thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015, 10 quốc gia thành viên đã xác định sẽ cùng nhau bước tiếp hướng tới những mục tiêu xa hơn, cùng nhau vun đắp cho ngôi nhà chung ASEAN như đã xác định trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước.

Hợp tác văn hóa các nước ASEAN luôn được tăng cường, diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi theo hướng thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Hợp tác văn hóa ASEAN đã giúp gắn kết hơn giữa con người với con người. Cùng với các hoạt động của các lĩnh vực liên quan, hợp tác văn hóa ASEAN đã đóng góp vào sự phát triển của Cộng đồng ASEAN đang ngày càng thực chất, bám sát vào ưu tiên của quốc tế, khu vực và các quốc gia thông qua các sáng kiến được thực hiện trong Kế hoạch tổng thể Văn hóa phòng ngừa, Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN hay Chiến lược hợp nhất về cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Những năm qua, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu về hợp tác văn hóa qua việc triển khai các dự án văn hóa lớn, điển hình, như dự án Liên hoan nghệ thuật ASEAN, dự án dịch các tác phẩm văn học ASEAN, số hóa di sản ASEAN, dự án Sách ảnh ASEAN giới thiệu sự đa dạng của văn hóa ASEAN…

leftcenterrightdel
 Hợp tác văn hóa ASEAN đã giúp gắn kết hơn giữa con người với con người trong 10 nước thành viên. (Ảnh: NVCC)

Trong hợp tác với các nước đối thoại, ASEAN đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hợp tác với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó có các dự án điển hình như dự án số hóa Di tích cố đô Huế, Ủy ban Âm nhạc ASEAN-Hàn Quốc, Dàn nhạc truyền thống châu Á (ASEAN và Hàn Quốc hoạt động liên tục từ năm 2009), dự án Mạng lưới hợp tác các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật ASEAN - Nhật Bản, dự án lưu trữ kỹ thuật số đối với di sản văn hóa trong hợp tác ASEAN-Nhật Bản, triển lãm ASEAN-Trung Quốc CAEXPO mang sứ mệnh củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và ASEAN, đẩy nhanh hợp tác giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực...

Đóng góp của Việt Nam vào thành tựu chung này thể hiện ra sao, thưa bà?

Trong hợp tác văn hóa ASEAN, Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực, đóng góp vào sự lớn mạnh và thành công chung. Không những vậy, ta còn phát huy các sáng kiến, chủ động đăng cai nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật Việt Nam, thể dục thể thao khu vực và quốc tế.

Điển hình như năm 2017 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức Liên hoan nghệ thuật ASEAN, Triển lãm văn hóa nghệ thuật ASEAN và sáng lập Giải thưởng phim ASEAN.

Liên hoan Âm nhạc ASEAN được tổ chức định kỳ tại Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của các đoàn nghệ thuật ASEAN.

Năm 2020, dù đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam đã tổ chức thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với những dấu ấn văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì Tiểu ban Tuyên truyền-Văn hóa ASEAN 2020, xây dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật, tiêu biểu như chương trình nghệ thuật tại Lễ khởi động Năm ASEAN 2020, các chương trình nghệ thuật tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Tuần phim ASEAN, Triển lãm Trang phục truyền thống các nước ASEAN, Triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng các cơ quan phụ trách các nước ASEAN trình lãnh đạo các nước ASEAN thông qua Bản tường thuật Bản sắc ASEAN và cùng với các nước đang tích cực triển khai nhằm quảng bá hơn nữa hình ảnh ASEAN, giúp người dân ngày càng có nhận thức cao hơn về bản sắc ASEAN.

Việt Nam đã sáng kiến, phối hợp với các nước thành viên ASEAN tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ASEAN, Ngày ASEAN tại EXPO 2020 Dubai… góp phần thể hiện tinh thần, bản sắc ASEAN, tình đoàn kết, hữu nghị của các quốc gia ASEAN với bạn bè quốc tế.

Trong năm 2022, cùng với Triển lãm Sắc màu văn hóa ASEAN, Bộ tiếp tục đăng cai Liên hoan Âm nhạc ASEAN vào tháng 12 tạo sân chơi cho các nghệ sĩ các nước thành viên có điều kiện gặp gỡ sau thời gian dài Covid, để trình diễn những sáng tác mới đến công chúng.

Đặc biệt, Việt Nam sẽ là Chủ tịch Hội nghị lần thứ 57 Uỷ băn Văn hoá-thông tin ASEAN (ASEAN-COCI) dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới tại tỉnh Quảng Nam – nơi đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2022.

Bên cạnh đó, Việt Nam không ngừng tăng cường vai trò và trách nhiệm nước chủ trì điều phối quan hệ giữa ASEAN với các nước đối thoại. Với kinh nghiệm điều phối cơ chế hợp tác văn hóa ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động trong vai trò quốc gia điều phối quan hệ văn hóa ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa ngành điện ảnh và âm nhạc của ASEAN với Hàn Quốc.

Liệu còn những mặt còn hạn chế và tiềm năng trong hợp tác văn hoá giữa các nước trong khu vực không?

Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, hợp tác văn hóa trong ASEAN vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là thách thức làm sao duy trì được hiệu quả thực chất, hấp dẫn và gắn kết người dân các nước ASEAN, tránh phong trào, hình thức.

Trên thực tế, số lượng các chương trình nghệ thuật, sản phẩm văn hóa ASEAN được quảng bá đến các nước ngoài khu vực còn ít, chưa được quan tâm đầu tư.

Công nghiệp văn hóa của ASEAN còn non trẻ, các doanh nghiệp văn hóa có quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo ra được những sản phẩm có sức hấp dẫn đối với công chúng của chính khu vực ASEAN và có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

leftcenterrightdel
 Trong hợp tác văn hóa ASEAN, Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực, đóng góp vào sự lớn mạnh và thành công chung. (Ảnh: NVCC)

Theo bà, cần những giải pháp gì để có thể thúc đẩy hợp tác văn hóa ASEAN trong thời gian tới?

Để thúc đẩy hợp tác văn hóa ASEAN phát triển hiệu quả, các quốc gia thành viên ASEAN cần nỗ lực, chung tay phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác văn hóa ASEAN - chất keo gắn kết, gìn giữ và lan tỏa ý thức, bản sắc cộng đồng trong ASEAN, lồng ghép hài hòa vào các nỗ lực ứng phó chung ở cấp độ quốc gia và khu vực vì phát triển bền vững của ASEAN;

Thứ hai, xác lập và định hướng phát triển văn hoá số trong bối cảnh xã hội số, nền kinh tế số, không ngừng đề cao vai trò và hiệu quả của các phương tiện truyền thông mới, tiếp tục áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa-thông tin nhằm tạo cơ hội và đòn bẩy để ASEAN bứt phá, phát triển;

Thứ ba, hình thành, kết nối mạng lưới các không gian sáng tạo tại các đô thị lớn, tạo tác động lan toả về hình ảnh các đô thị đáng sống từ văn hoá, nghệ thuật, sáng tạo, lan toả thông điệp tích cực của văn hoá trong khu vực;

Thứ tư, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá mũi nhọn mà các nước thành viên ASEAN có thế mạnh như điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa… nhằm hình thành sức mạnh mềm cho mỗi quốc gia, tạo lợi thế phát triển kinh tế-xã hội cho toàn khu vực ASEAN.

Trân trọng cảm ơn bà!

 Cộng đồng ASEAN thành lập từ năm 2015 với 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh-Chính trị ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC).

ASCC nhằm gắn bó chặt chẽ các nước Đông Nam Á trong một cộng đồng gắn kết, phát triển đồng đều, hòa hợp, với “xã hội quan tâm và chia sẻ”.

Mục tiêu cơ bản của ASCC thể hiện trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Bali II) và Kế hoạch Tổng thể xây dựng ASCC là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm; có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung; xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.

Theo baoquocte