leftcenterrightdel
IMF cảnh báo kinh tế thế giới có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới. (Nguồn: Bloomberg) 

Theo đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh.

Quỹ này cảnh báo rằng, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: "Ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục đình trệ. Nói một cách ngắn gọn, điều xấu nhất vẫn chưa tới và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như năm suy thoái".

Theo IMF, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% so với dự báo 2,9% đưa ra hồi tháng 7/2022.

Nguyên nhân là lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu.

Tuy nhiên, Quỹ trên giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, sau mức tăng trưởng 6% năm 2021.

Điều này phản ánh sản lượng cao hơn dự báo ở châu Âu song hoạt động kinh tế yếu ở Mỹ.

Cụ thể, IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ là 1,6%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trước, phản ánh tăng trưởng GDP trong quý II/2022 của nước này giảm ngoài dự báo.

Trong khi đó, suy giảm kinh tế của các nước thuộc Eurozone dự báo sẽ mạnh thêm vào năm tới, Đức và Italy được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.

Quỹ hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 và 2023. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng 3,2% vào năm 2022, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7/2022 và tăng 4,4% vào năm 2023, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong bối cảnh lãi suất tăng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ và xuất khẩu giảm do tình hình kinh tế tại các đối tác thương mại chính của khu vực này, trong đó có Mỹ.

Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% năm 2023, giảm tương ứng 0,2 điểm phần trăm và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7/2022, sau khi tăng 7,2% trong năm 2021.

Theo báo cáo của IMF, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan dự báo ghi nhận tăng trưởng 5,3% trong năm nay so với mức 3,4% năm 2021. Mức tăng này dự báo sẽ giảm xuống 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu giảm từ các đối tác thương mại chủ chốt như Trung Quốc, Eurozone và Mỹ.

Theo IMF, các nền kinh tế ASEAN sẽ ghi nhận tăng trưởng chịu tác động của giá lương thực và năng lượng cao hơn - nguyên nhân làm giảm sức mua của các hộ gia đình.

Tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024.

Theo baoquocte