Nhân viên nghĩa trang chôn cất một nạn nhân Covid-19 ở Jakarta, Indonesia ngày 7/4. Ảnh: AP.
Giới chức Indonesia thừa nhận việc chính phủ đưa ra thông tin về dịch bệnh là chưa đủ. Người phát ngôn của Cơ quan giảm thiểu thảm họa quốc gia Indonesia cho biết vào ngày 5/4 rằng, số liệu Bộ Y tế công bố không khớp với con số mà các địa phương báo cáo. Thông tin của Bộ vẫn còn hạn chế khiến tổ chức này không thể đưa ra dữ liệu đầy đủ. Thống đốc Jakarta, Anies Baswedan, bày tỏ lo ngại rằng số ca nhiễm và tử vong đang bị báo cáo thiếu trầm trọng vì tỷ lệ xét nghiệm thấp.
Andreas Harsono - nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch tại Indonesia - cho biết: "Chính phủ Indonesia cần tăng tỷ lệ xét nghiệm để biết được mức độ của đại dịch trong nước. Các nhà chức trách nên duy trì quyền được thông tin và cung cấp số liệu chính xác cho công chúng".
Số người nhiễm nCoV ở Indonesia vẫn chưa rõ ràng. Vào 7/4, Bộ Y tế thông báo có 2.491 ca dương tính và 209 ca tử vong, trong tổng số 13.186 người đã được xét nghiệm kể từ 30/12, bao gồm cả thủy thủ đoàn của tàu World Dream và Diamond Princess. Tuy nhiên, cho tới ngày 6/4, Văn phòng công viên và nghĩa trang của Jakarta cho biết có 639 người được chôn cất theo hình thức xử lý ca bệnh Covid-19. Điều này cho thấy có nhiều người tử vong mà chưa được xét nghiệm nCoV.
Quan chức cấp cao giảm nhẹ mức độ của virus ngay từ đầu. Vào tháng 2, Bộ trưởng Y tế Terawan Putranto phản đối tính toán của Đại học Harvard - phép tính đặt ra câu hỏi về tuyên bố không có ca nhiễm nào ở Indonesia của ông. Putranto nhắc lại về tầm quan trọng của việc cầu nguyện giúp ngăn chặn Covid-19.
Tổng thống Joko Widodo công bố 2 ca dương tính đầu tiên ở Depok, gần Jakarta vào 2/3. Việc này xảy ra một tháng sau khi Trung Quốc tiến hành lệnh phong tỏa Vũ Hán và các thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc vào ngày 23/1.
Việc xét nghiệm vẫn rất hạn chế, 20 cơ sở xét nghiệm trên cả nước với dân số 274 triệu người. Hầu hết xét nghiệm thực hiện được trên đảo Java - hòn đảo đông dân nhất với 6 tỉnh. Vào tháng 4, 12 máy xét nghiệm mới được cấp cho 12 tỉnh khác trong tổng số 34 tỉnh.
Indonesia cũng đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân và khẩu trang, khiến nhiều nhân viên y tế phải mặc áo mưa. Hiệp hội Y tế Indonesia tuyên bố rằng ít nhất 31 nhân viên y tế, bao gồm 20 bác sĩ và 4 y tá đã tử vong vì Covid-19. Các bệnh viện đa khoa ở Indonesia cũng thiếu thiết bị, chỉ có 661 giường chăm sóc tích cực, một nửa trong số đó có máy thở.
Vào 15/3, Tổng thống Joko Widodo yêu cầu người dân "ở nhà làm việc và cầu nguyện" nhưng ông vẫn chưa yêu cầu thực hiện biện pháp hạn chế di chuyển trên cả nước. Đến 7/4, chính quyền Jakarta tuyên bố sẽ thực hiện lệnh cấm di chuyển trên toàn thành phố trong 2 tuần bắt đầu từ 10/4, bao gồm đóng cửa trường học và công sở và hạn chế các hoạt động tôn giáo, văn hóa.
Indonesia đang áp dụng luật hình sự về bôi nhọ để trừng phạt các chỉ trích về phản ứng của chính phủ trước đại dịch. Cảnh sát quốc gia đã kết tội 51 người theo luật này vì lan truyền "tin giả" về Covid-19. Trong đó, có 5 người lan truyền tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, bao gồm đưa ra những thông tin như một người phụ nữ theo đạo Hồi, bay đến Saudi Arabia để hành hương, đột tử vì virus ở sân bay Jakarta.
Cảnh sát cũng khóa 38 tài khoản mạng xã hội. Chính quyền bắt giữ 3 người vì tin nhắn cho rằng một khu vực ở phía bắc Jakarta có người bệnh Covid-19 sau khi chính phủ phun thuốc khử trùng ở đây. Một người đàn ông 58 tuổi ở Bogor bị bắt vì đăng tải một video trên Instagram nói rằng virus nCoV là tiền đề để thảm sát. Cảnh sát cũng bắt giữ một thanh niên sau khi người này nói rằng việc ông Widodo từ chối phong tỏa là ngu ngốc và bình luận bài trừ Trung Quốc trên Twitter.
Harsono cho rằng: "Lãnh đạo Indonesia không nên để virus là tiền đề để cảnh sát cấm quyền tự do ngôn luận. Thật thảm hại khi cả nước đang gặp dịch bệnh mà chính phủ Indonesia chỉ chăm chú bịt miệng cư dân mạng thay vì bắt đầu một chiến dịch phổ biến thông tin về Covid-19".
Theo ione