Khách du lịch tại đảo Bali, Indonesia. (Nguồn: AFP)

 

Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến về tình hình ngành du lịch - quy tụ đại diện Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo, Bộ Tài chính, Bộ Hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ, và Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia - ông Febry Calvin Tetelepta, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống cho biết các ưu đãi nói trên bao gồm hỗ trợ và cắt giảm thuế thu nhập.

Ông Febry nêu rõ, ngành du lịch, trong đó có khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch và các doanh nghiệp kinh tế sáng tạo tham gia trong các mảng quảng cáo, sản xuất phim… được hưởng các ưu đãi này.

Theo quan chức này, thái độ nghiêm túc của Chính phủ trong việc xử lý đại dịch đã phát đi một tín hiệu tích cực và giúp xây dựng niềm tin đối với khách du lịch trong tương lai.

Ông Febry cũng cho biết một động thái khác của Chính phủ Indonesia nhằm hồi sinh ngành du lịch là mở cửa trở lại Bali theo từng giai đoạn, bắt đầu từ tháng 7 vừa qua. Các điểm du lịch khác - trong đó có các điểm đến ở đảo Bintan, tỉnh Bangka Nelitung, và huyện Banyuwangi ở tỉnh Đông Java - cũng sẽ sớm được mở lại.

Ông bày tỏ hy vọng, các doanh nghiệp thuộc ngành du lịch và kinh tế sáng tạo sẽ chủ động tận dụng tối ưu các chính sách kích thích và nới lỏng này.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, ngành “công nghiệp không khói” là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19. Số liệu cập nhật ngày 3/8 của Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho thấy lượng khách du lịch quốc tế đến thăm nước này chỉ đạt 160.280 lượt trong tháng 6, giảm 88,82% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,06% so với tháng 5.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Indonesia chỉ đón được 3,09 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, giảm 59,96% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, tỷ lệ thuê phòng khách sạn đạt 19,7%, giảm 32,57% so với cùng kỳ năm ngoái và 5,25% so tháng tháng 5. Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch nội địa và quốc tế đạt 1,69 ngày, giảm 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu du lịch của cả nước sụt giảm khoảng 85.000 tỷ Rupiah (5,87 tỷ USD) từ đầu năm đến nay do dịch.

Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody dự báo, Indonesia sẽ huy động 27 tỷ USD trái phiếu Hồi giáo (Sukuk) trong năm nay, tăng mạnh so với mức 16 tỷ USD vào năm ngoái, trong bối cảnh Chính phủ nước này đang tìm kiếm thêm nguồn tài chính để tài trợ cho cuộc chiến chống dịch.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến về tài chính hồi giáo toàn cầu và Sukuk, nhà phân tích Thaddeus Best thuộc Moody cho rằng, lượng Sukuk do Indonesia phát hành sẽ tăng khoảng 68,75% sau khi Chính phủ công bố gói kích thích tổng trị giá 47,3 tỷ USD nhằm chống dịch.

Giống như Indonesia, nhu cầu của các quốc gia phát hành Sukuk như Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tăng đáng kể để tài trợ cho thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Điều này sẽ khiến các đợt phát hành Sukuk tăng hơn 40%, đạt 94 tỷ USD trong năm nay.

Số liệu của Bộ Tài chính Indonesia cho thấy,tính đến ngày 6/8, Chính phủ nước này đã phát hành lượng Sukuk trong nước gần bằng tổng khối lượng Sukuk được phát hành trong cả năm 2019. Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Indonesia cũng đã huy động được 2,5 tỷ USD trong đợt phát hành Sukuk toàn cầu, với số lượng đăng ký mua lên tới 16,66 tỷ USD.

Theo baoquocte.vn