|
|
Instagram làm gia tăng nỗi bất an về cơ thể của các cô gái trẻ. Ảnh: Mark Mawson. |
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 5/10, Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm của Facebook, đã tố cáo mạng xã hội này "đặt lợi nhuận lên trên lợi ích của người dùng".
Đáp lại, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã đăng một bài viết trong đó nhấn mạnh: "Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến các vấn đề an toàn, hạnh phúc và sức khỏe tinh thần".
Thế nhưng, theo tài liệu nội bộ được Haugen cung cấp, nghiên cứu do chính Facebook thực hiện có nội dung: "32% các cô gái tuổi teen nói rằng khi họ cảm thấy ghét cơ thể của mình, Instagram khiến cảm giác ấy tồi tệ hơn".
Giả sử, một cô gái 13 tuổi cảm thấy lo lắng về ngoại hình của mình và có theo dõi những Influencer về giảm cân, thuật toán của Instagram sẽ đề xuất cho cô những từ khóa ăn kiêng khắc nghiệt hơn, như "nhịn đói vĩnh viễn", "tôi phải gầy đi", "tôi muốn trở nên hoàn hảo".
Trong một cuộc phỏng vấn với "60 Minutes", bà Haugen gọi điều đó là "bi kịch".
"Khi những cô gái trẻ bắt đầu bị tiêm nhiễm những nội dung gây rối loạn ăn uống này, họ sẽ trở nên trầm cảm. Nó khiến họ nghiện app hơn, luẩn quẩn trong vòng xoáy và ngày càng ghét cơ thể mình", bà nói.
Bất cứ ai từng trải qua tuổi mới lớn đều sẽ không lạ lẫm gì về thực tế đó. Theo The New York Times, Facebook và Instagram chỉ đơn giản thực hiện một truyền thống kinh doanh lâu đời ở Mỹ: khơi dậy sự bất an của các cô gái trẻ và kiếm tiền từ họ.
Kiếm tiền trên nỗi bất an của các cô gái trẻ
Ngành công nghiệp làm đẹp toàn cầu tạo ra 500 tỷ USD doanh thu hàng năm và phương tiện truyền thông xã hội thể hiện là một động lực thúc đẩy quan trọng, đặc biệt đối tượng nhân khẩu học mục tiêu trẻ nhất - Gen Z.
Thị trường quản lý cân nặng toàn cầu ước tính đạt 260 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ phát triển lên hơn 400 tỷ USD vào năm 2027.
Đối với các cô gái Mỹ, xem nội dung khiến họ ghét cơ thể của chính mình giống như một nghi thức tuổi dậy thì. Phương tiện đã thay đổi, nhưng nghi thức ấy vẫn vậy.
Trước khi sự tự tin của các cô gái Mỹ được quảng bá trên Instagram, nó đã xuất hiện tràn lan trên các tạp chí với đầy rẫy những người mẫu không mảnh vải che thân, cùng với quảng cáo từ các ngành dựa vào phụ nữ và trẻ em gái để kiếm doanh thu.
Cốt lõi của hoạt động tiếp thị luôn kết thúc với thông điệp: Bạn có đầy rẫy khuyết điểm và không hoàn hảo. Chúng tôi sẽ cho bạn biết cần mua gì và phải làm sao để khắc phục nó.
|
|
Truyền thông xã hội đang truyền thông điệp rằng các cô gái đầy rẫy khuyết điểm. |
Thật đáng sợ khi biết được thông điệp ấy sẽ ám ảnh mọi người đến mức nào. Nhà văn Lindsay Crouse còn nhớ rõ lời khuyên trên các tạp chí dành cho tuổi teen từ 20 năm trước mà bà mang về từ thư viện và coi chúng như sách khoa học để nghiên cứu.
Trong đó ghi cần tây là "calo xấu". Nếu không nhịn được món tráng miệng, hãy biến nó thành thứ không chứa chất béo. Bà thậm chí đọc được lời khuyên rằng có thể thử ăn đá lạnh để đỡ đói. Mỗi khi nhìn vào một đĩa thức ăn, trong đầu bà luôn gán cho nó một lượng calo.
Những lời khuyên ấy thường được thể hiện bằng ngôn ngữ dưới dạng "trao quyền", và nó đã thành công trong một xã hội phân biệt giới tính, định hướng vẻ bề ngoài.
Các tạp chí khiến nữ giới có ấn tượng rằng khuôn mặt của họ luôn được thẩm định, đánh giá và so sánh.
Mark Zuckerberg cũng tham gia "nghi thức" xếp hạng các cô gái.
Khi đang thử nghiệm trước khi xây dựng Facebook, Zuckerberg đã đưa ảnh các bạn nữ của mình lên trang web “Facemash”, nơi sinh viên có thể xếp hạng và so sánh ảnh chụp của sinh viên khác dựa trên mức độ hot của họ.
Khi đó, người sáng lập Facebook đã viết: "Tôi gần như muốn đặt một trong số những khuôn mặt này kế bên bức ảnh của động vật trong trang trại để mọi người nhận xét xem ảnh nào hấp dẫn hơn".
Chất gây nghiện
Bây giờ, trải nghiệm đã khác đi đối với các cô gái, nhưng phần lớn chúng tệ hơn.
Instagram trở thành nền tảng miễn phí dành cho mọi người, nơi chứa đầy hình ảnh của những người đã tự thay đổi diện mạo của họ, bằng app chỉnh ảnh online hoặc ăn kiêng, phẫu thuật.
|
|
Dù cảm thấy tệ, nhiều cô gái không thể thoát khỏi Instagram. |
Ở một mức độ nào đó, Instagram chỉ là một phần mở rộng về cách các cô gái bị đối xử trong nền văn hóa của chúng ta.
Trong nguồn cấp dữ liệu, ảnh của các Influencer xen lẫn với ảnh của bạn bè và chính bạn. Bất kỳ bức ảnh nào cũng bị soi mói, so sánh và đánh giá dưới dạng lượt thích và bình luận.
Phong trào chăm sóc cơ thể có thể đã mang đến lợi ích, nhưng phụ nữ cũng đã bị tiêm nhiễm tư tưởng rằng mức độ thành công của họ phụ thuộc vào ngoại hình.
Instagram đo lường và đánh giá điều đó, tạo nên một cửa hàng ảo quy mô toàn cầu, nơi chứa đầy cơ thể không có thực.
Nhiều thông điệp trong số đó được truyền tải dưới chiêu bài về sức khỏe, nhưng nghiên cứu bị rò rỉ của Facebook cho thấy mức độ tích cực không vượt qua được mức tổn lại sức khỏe mà chúng gây ra.
Bản thân các cô gái biết Instagram không tốt cho họ nhưng vẫn đắm chìm vào nó. Đó là vì mạng xã hội có tính gây nghiện.
Nhà báo Derek Thompson đã viết trên tờ The Atlantic rằng: "Giống như rượu bia, mạng xã hội mang đến một ly 'cocktail' dopamine, gây mất phương hướng và phụ thuộc với một số người".
Về phần mình, Zuckerberg đưa quan điểm với tư cách là một bậc phụ huynh, cam kết tiếp tục nghiên cứu và ưu tiên phúc lợi cho trẻ em, coi việc chúng tiếp xúc với các sản phẩm của mình là điều không thể tránh khỏi.
"Thực tế là những người trẻ đang sử dụng công nghệ. Thay vì bỏ qua điều này, các công ty công nghệ nên xây dựng trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của họ đồng thời giữ an toàn cho họ", ông viết.
Nhưng điều đáng nói là những bậc cha mẹ ở Thung lũng Silicon từ lâu đã biết rằng công nghệ có thể gây hại, đó là lý do tại sao họ thường cấm con mình sử dụng nó.
Theo zingnews