Trong một năm qua, mạng lưới toàn cầu (world wide web) mà chúng ta từng biết ít nhiều đã mất đi tính chất "toàn cầu" của nó.

Liên minh châu Âu đang kiến nghị sẽ cấm cửa các tập đoàn công nghệ Mỹ nếu dám vi phạm luật của họ. Mặt khác, Mỹ đang cân nhắc đến việc loại bỏ các ứng dụng như TikTok và WeChat. Còn ở Ấn Độ, sau khi cấm cửa hàng loạt các ứng dụng, nước này đã chuyển tầm ngắm sang Twitter.

Internet co the da phat trien khac so voi the gioi mong doi anh 1

Các quốc gia có thể sẽ liên kết với nhau để kiểm soát những gã khổng lồ công nghệ. Ảnh:CNN.

Đặc biệt, chủ đề mâu thuẫn giữa Facebook và Chính phủ Australia vừa qua đang thu hút nhiều sự quan tâm trên thế giới.

Cụ thể, vào ngày 18/2, Facebook thông báo người dùng tại Australia không thể xem hay chia sẻ tin tức từ các hãng thông tấn trong và ngoài nước lên mạng xã hội này. Tuy nhiên, đến ngày 23/2, Facebook đã đồng ý khôi phục các trang tin tức sau khi đạt được thỏa thuận với Australia.

Internet ngày càng phân mảnh

Những ví dụ trên đã cho thấy chủ nghĩa dân tộc và tranh chấp thương mại giữa chính phủ và các tập đoàn công nghệ ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, do lo ngại các ông lớn công nghệ sẽ thống trị thị trường trong nước, nhiều quốc gia đã đề ra các quy định mới về truyền thông nhằm kiểm soát những công ty này.

Những sự kiện diễn ra gần đây làm đảo lộn kỳ vọng ban đầu mà các tập đoàn công nghệ hướng đến. Đó là tạo ra một môi trường Internet toàn cầu, nơi bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, đều có thể truy cập.

Theo nhà sử học người Pháp, Hélène Carrère d’Encausse, một xã hội mà sự khác nhau của các dân tộc luôn thắng thế sự đồng nhất về lý tưởng sẽ tạo nên tình trạng phân mảnh. Từ đó khiến xã hội bị chia rẽ ít nhiều.

“Tôi nhận thấy Internet hiện nay có xu hướng phân mảnh hơn trước", Daphne Keller, Giám đốc Lập trình tại Trung tâm Chính sách Mạng, Đại học Stanford (Mỹ) chia sẻ với CNN.

Internet co the da phat trien khac so voi the gioi mong doi anh 2

Câu chuyện giữa Facebook và Australia đã cho thấy chính phủ các nước đang có những động thái kiểm soát riêng. Ảnh:The Frontier Post.

Khi Facebook ngừng hiển thị tin tức tại Australia, người dùng nước ngoài cũng không thể truy cập tin tức từ các hãng thông tấn của nước này. Động thái trên đã đi ngược lại tiền đề ban đầu khi thế giới muốn Internet đóng vai trò như một công cụ thông tin tự do.

Bối cảnh thế giới hiện tại rất khác với điều mà những gã khổng lồ công nghệ Mỹ mong đợi. Trước đây, ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ như Trung Quốc và Triều Tiên, Facebook cùng nhiều ông lớn khác có thể đăng tải nội dung trên thế giới mà không bị cản trở quá nhiều. Hiện tại, điều đó đã thay đổi.

"Những gì hợp pháp ở Thụy Điển có thể không hợp pháp ở Pakistan. Chúng tôi phải tìm cách dung hòa quy định ở các nước với cách thức hoạt động của Internet. Kết quả là, dù các tập đoàn công nghệ có tự nguyện hay bị ép buộc tuân thủ, một rào cản địa lý vẫn hình thành. Từ đó cho chúng ta thấy hiện thực khác nhau giữa các quốc gia", Keller chia sẻ.

Chiến lược rút quân của những gã khổng lồ công nghệ

5năm trước, Mark Zuckerberg từng nói về mục tiêu đạt được 5 tỷ người dùng. Hiện tại, công ty đã có hơn 3 tỷ lượt truy cập hàng tháng trên các ứng dụng của mình. Đây là minh chứng cho thấy Facebook đã mở rộng trên toàn cầu.

Hơn bất kỳ doanh nghiệp nào khác ở Thung lũng Silicon, Facebook có lẽ là tập đoàn đang bị nhiều quốc gia nhắm đến.

Tuy nhiên, ông lớn này luôn có một đối sách dành cho các trường hợp bị chèn ép: đe dọa rút sản phẩm của mình khỏi thị trường khi đối mặt với các quy định bất lợi.

Internet co the da phat trien khac so voi the gioi mong doi anh 3

Chiến lược rút quân luôn là đối sách được những gã khổng lồ công nghệ sử dụng để đáp trả lại các quốc gia. Ảnh:Slate.

Cách làm trên đang được các ông lớn công nghệ áp dụng nhiều hơn. Vào năm 2014, Google đã đóng cửa dịch vụ Google News ở Tây Ban Nha sau khi quốc gia này thông qua một luật thuế tương tự Australia hiện tại.

Google cũng đe dọa rút công cụ tìm kiếm của hãng khỏi Austrlia nếu họ ban hành luật truyền thông mới. Tuy nhiên sau đó, ông lớn này đã chịu nhượng bộ.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, đã "mạnh tay" hơn trong việc kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ. Sau cùng, những tập đoàn này vẫn cần người dùng để phát triển. Và chính phủ các nước hoàn toàn có thể cắt đứt nguồn lợi đó dưới danh nghĩa bảo vệ công dân và chủ quyền trên mạng.

Theo Sinan Aral, giáo sư tại Trường Kinh doanh MIT Sloan cổ phần của các công ty chỉ tăng nếu có sự đồng thuận từ nhiều chính phủ. "Nó giống như lý thuyết trò chơi 'ai là gà' vậy", ông nói.

Aral cho biết nếu những công ty, như Facebook và Google, cứ gặp phải các quốc gia yêu cầu trả tiền tin tức mà rút khỏi thị trường thì chỉ có họ là người chịu thiệt. Điều này sẽ "hạn chế nghiêm trọng" nội dung mà người dùng trên thế giới có thể tiếp nhận.

"Các tập đoàn công nghệ có quyền yêu cầu chính phủ không được áp đặt quy định. Còn phía chính phủ có quyền trả lời 'nếu bạn không trả tiền, bạn sẽ không được tiếp cận thị trường này'", Aral chia sẻ thêm.

Khi Internet phân mảnh, các cơ quan quản lý trên thế giới hợp nhất

Cuộc chiến về tin tức giữa Facebook và Australia vừa qua là một phần nhỏ trong những lần đụng độ giữa các tập đoàn công nghệ và chính phú.

"Những gì bạn làm ở quốc gia này có thể chống lại bạn ở quốc gia khác", Scott Morrison, Thủ tướng Australia đưa ra lời cảnh báo đến các công ty truyền thông xã hội.

Internet co the da phat trien khac so voi the gioi mong doi anh 4

"Liệu Internet sẽ phân mảnh?" từng là một chủ đề thảo luận được nhiều người quan tâm. Ảnh:New America.

"Động thái đáp trả của những tập đoàn công nghệ chỉ càng khiến nhiều quốc gia tin rằng các Big Tech đang muốn chiếm quyền hơn cả chính phủ. Đúng là họ đã thay đổi thế giới, nhưng không có nghĩa là họ đang thống trị", Morrison chia sẻ trên một bài đăng Facebook.

Sau khi Facebook quyết định hiển thị lại tin tức tại Australia, Morrison đã nhận định đây là một nước đi "đáng hoan nghênh". Ông cam kết sẽ tiến hành luật để đảm bảo "các nhà báo và tổ chức tin tức của Austrila nhận được công lao xứng đáng với nội dung mà họ sản xuất".

Hiện, Canada, Anh và nhiều quốc gia khác đang trao đổi về một luật tương tự được áp dụng lên các tập đoàn công nghệ truyền thông.

"Việc các chính phủ hợp tác với nhau là tin tốt. Họ có thể đưa ra một hiệp ước quy định về cách tiếp cận thông tin bên ngoài lãnh thổ. Đây là điều họ có thể làm từ lâu, nhưng lại không. Kết quả là chúng ta có một thế giới Internet chia rẽ như hiện tại", Keller chia sẻ.

Nếu sự mâu thuẫn giữa các tập đoàn công nghệ và chính phủ tiếp tục diễn ra. Sự phân mảnh ngày càng gia tăng và đạt đỉnh, hậu quả có thể sẽ khó lường.

"Kết quả cuối cùng của việc phân mảnh là ở mỗi quốc gia sẽ có một mạng xã hội riêng biệt. Hệ sinh thái thông tin trên toàn cầu cũng tách rời. Trường hợp tệ nhất đối với người dùng, họ có thể sẽ phải tải một ứng dụng riêng để xem tin trong nước và một ứng dụng khác để xem tin thế giới. Lúc đấy, có lẽ thế giới quan của chúng ta cũng bị thay đổi so với thực tế", Aral nhận định.

Theo  Zing