Italia siết chặt thêm nhiều lệnh hạn chế Covid-19
Cập nhật lúc 17:21, Thứ ba, 03/11/2020 (GMT+7)
Thủ tướng Italia hôm 2/11 tuyên bố nước này sẽ siết chặt các lệnh hạn chế Covid-19, trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong tăng cao.
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte phát biểu trước quốc hội Italia hôm 2/11. Ảnh: Reuters
Reuters đưa tin, số ca nhiễm bệnh phát hiện theo ngày hiện nay ở Italia đã tăng gấp 10 lần so với cách đây một tháng, trong đó số người dương tính với Covid-19 thời gian gần đây luôn ở mức 30.000 trường hợp/ngày.
“Bất chấp những nỗ lực của chúng ta, dịch bệnh những ngày qua rất đáng lo ngại. Số phòng điều trị tích cực tại 15/20 vùng khắp Italia sẽ bị áp đảo trong tháng tới, trừ phi các hành động cứng rắn hơn được áp dụng. Chúng ta phải can thiệp bằng những biện pháp nghiêm ngặt hơn”, ông Giuseppe Conte phát biểu trước Quốc hội Italia hôm 2/11.
Tuy ông Conte không nêu rõ các biện pháp nào được áp dụng ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh, nhưng theo Reuters, những lệnh hạn chế được áp dụng sẽ bao gồm đóng cửa các trung tâm mua sắm vào cuối tuần, hay giảm khả năng hoạt động của các phương tiện công cộng từ 50-80%.
Số liệu Worldometers tính tới hết ngày 2/11 cho thấy, Italia đã ghi nhận 731.588 ca nhiễm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, trong đó có 39.059 người đã tử vong.
Tình hình dịch trên toàn cầu
Dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 47,2 triệu người khắp toàn cầu, trong đó hơn 1,2 triệu người tử vong. Số liệu trên được Worldometers cập nhật lúc 6h sáng nay (3/11). Ngoài ra, số ca hồi phục trên thế giới đạt hơn 33,9 triệu người.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới, với tổng số người nhiễm và thiệt mạng kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay là 9.549.011 và 236.893. Ổ dịch lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ với 8.266.914 người nhiễm và 123.139 ca tử vong. Kế đó là Brazil với 5.554.206 người bệnh, bao gồm 160.253 người trong đó đã tử vong.
Bồ Đào Nha có thể tuyên bố khẩn cấp
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa hôm 2/11 đã đề nghị Tổng thống nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan. “Đây là thời khắc quan trọng và việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ củng cố được nhận thức của người dân về tình hình y tế mà chúng ta đang đối mặt”, Thủ tướng Costa nói trước báo giới.
Theo số liệu của Worldometers tính tới hết ngày 2/11, Bồ Đào Nha đã ghi nhận 146.847 ca nhiễm và 2.590 người tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.
Pháp tiếp tục hứng chịu đau thương
Reuters dẫn nguồn tin từ Chính phủ Pháp cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 52.518 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, và số ca nhập viện vượt con số 1.000 người lần thứ tư trong vòng tám ngày qua.
Chính phủ Pháp hôm 30/10 đã công bố đợt phong tỏa toàn quốc thứ hai kéo dài bốn tuần, khi các biện pháp kiềm chế dịch bệnh trước đó không có tác dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định, các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh thường mất khoảng hai tuần để bắt đầu phát huy được hiệu quả.
Số liệu trên Worldometers cho thấy, Pháp hiện đứng thứ năm trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, với 1.466.433 ca nhiễm và 37.435 trường hợp tử vong kể từ khi dịch bùng phát.
Theo vietnamnet