|
Đã có hàng nghìn thường dân vô tội ở Dải Gaza thiệt mạng trong xung đột giữa Israel và Hamas, trong đó có rất nhiều trẻ em
|
Hàng nghìn thường dân thiệt mạng trong xung đột
Theo số liệu mới nhất từ cơ quan y tế của Palestine tại Dải Gaza, tính tới ngày 31-10, đã có ít nhất 8.306 người Palestine thiệt mạng và 21.048 người khác bị thương kể từ khi xung đột bùng phát sau khi Phong trào Hồi giáo Hamas bất ngờ tấn công vào Israel rạng sáng 7-10 và sau đó là đòn trả đũa khốc liệt của Israel. Trong khi đó, giới chức Israel cho biết, cuộc xung đột đã khiến khoảng 1.400 người ở Israel thiệt mạng.
Phát biểu mở đầu phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra rạng sáng 31-10 theo đề xuất của Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) để thảo luận về cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, Giám đốc Chương trình cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini cho biết, mức độ tàn phá tại Dải Gaza là “chưa từng có và thảm kịch mà người dân nơi đây đang trải qua là không thể chịu đựng được”. Theo người đứng đầu UNRWA, gần 70% số người thiệt mạng ở đây là phụ nữ và trẻ em, trong đó gần 3.200 trẻ em đã bị sát hại ở Dải Gaza trong hơn 3 tuần xung đột vừa qua. Ông nhấn mạnh thêm, Dải Gaza đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc, khi mà thuốc men, thực phẩm, nước sạch và nhiên liệu cạn kiệt.
Trong khi đó, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell nhấn mạnh, trẻ em ở cả hai phía Irsrael và Palestine đang bị những tổn thương khủng khiếp và hậu quả có thể kéo dài suốt đời. Dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Catherine Russell cho biết, tới nay đã có 34 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế ở Dải Gaza và hiện nay 12 trong số 35 bệnh viện tại vùng lãnh thổ này không còn hoạt động được nữa. Cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas dù diễn ra mới hơn 3 tuần nhưng đã gây ra những tổn thất, thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho thường dân cũng như các công trình dân sự. Điều đáng nói, cuộc xung đột này có thể chưa tới giai đoạn khốc liệt nhất bởi đã có những thông tin về việc quân đội Israel sau đòn không kích vô cùng dữ dội sẽ mở cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza với mục tiêu “xóa sổ Hamas”.
Cuộc xung đột ngày càng khốc liệt giữa
Israel và lực lượng Hamas một lần nữa khiến cộng đồng quốc tế phải kêu gọi, đòi hỏi bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang. Trước cuộc xung đột mới bùng phát này, thế giới cũng từng lên tiếng về việc phải bảo vệ thường dân trong rất nhiều cuộc xung đột quân sự từ Trung Đông tới châu Phi và châu Âu, trong đó quy mô và khốc liệt nhất là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Theo con số gần đây nhất đưa ra hồi tháng 5-2023 trong báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR), đã có tới gần 8.900 thường dân thiệt mạng, gần 15.000 người khác bị thương ở Ukraine. Con số thương vong thực tế của thường dân có thể còn cao hơn vì tình hình xung đột nguy hiểm gây khó khăn cho việc thu thập chính xác số thường dân là nạn nhân xung đột.
Tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo vệ thường dân
Việc bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, chiến tranh đã được đặt ra từ lâu. Ngay từ năm 1949, Công ước Geneva về bảo hộ thường dân trong chiến tranh đã được thông qua với mục đích nhằm giảm bớt đau khổ cho thường dân trong chiến tranh. Theo đó, Công ước quy định, các bên xung đột không được tấn công quân sự vào dân thường, thành viên lực lượng vũ trang đã hạ vũ khí, bị bệnh hoặc bị loại ra ngoài vòng chiến đấu, những nhân viên và phương tiện dùng cho việc cứu thương. Cũng theo Công ước, các bên xung đột phải lập ra những khu y tế, an ninh, khu trung lập và thông báo cho nhau biết địa điểm những khu ấy để đưa những người bị thương, bị bệnh, bị tàn tật, phụ nữ có thai, trẻ em mồ côi vì chiến tranh dưới 15 tuổi vào chăm sóc…
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio
Guterres cho rằng, sau hơn 70 năm kể từ khi các Công ước Geneva về bảo hộ thường dân trong chiến tranh ra đời, cộng đồng quốc tế đã có một khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đạt được những tiến bộ đáng kể, như xây dựng văn hoá bảo vệ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đưa vào vấn đề này thành một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, đưa vào nhiệm vụ của một số phái bộ gìn giữ hòa bình (PKO), xét xử tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, sau hơn 20 năm kể từ khi Hội đồng Bảo an bắt đầu thảo luận về chủ đề này, tình trạng của thường dân tại các vùng xung đột vẫn rất đáng quan ngại.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, riêng năm 2022, số dân thường thiệt mạng được ghi nhận trong 12 cuộc xung đột lên tới gần 17.000 người, tăng 53% so với năm trước đó, nhiều nhất là ở Sudan, Ukraine, Ethiopia và Syria. Cũng theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres, 94% nạn nhân của súng đạn trong các vụ tấn công vào khu vực đông dân cư là dân thường, trong khi hơn 117 triệu người phải đối mặt với nạn đói và mất an ninh lương thực nghiêm trọng do hậu quả của xung đột và chiến tranh. Trên toàn thế giới, số người tị nạn buộc phải rời bỏ nhà cửa đã lên tới 100 triệu người. Cộng đồng quốc tế vì thế cần phải giữ lời hứa bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang. Đặc biệt, các bên tham gia xung đột quân sự cần phải thực hiện đúng cam kết bảo vệ thường dân nếu không với hàng loạt cuộc xung đột ác liệt trên toàn cầu đã, đang và sẽ còn gây ra cái chết cho rất nhiều thường dân bởi bom đạn, nạn đói, bệnh tật…
Trong phát biểu ngày 29-10 vừa qua, sau khi nêu rõ tình hình ở Dải Gaza “tuyệt vọng hơn theo từng giờ”, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các bên tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế. Người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc lên án các cuộc tấn công do lực lượng Hamas gây ra ở Israel là “không bao giờ có lời biện minh nào cho việc giết hại, làm bị thương và bắt cóc dân thường”. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích Israel đã “tăng cường các hoạt động quân sự” thay vì đồng ý với “một lệnh ngừng bắn nhân đạo cực kỳ cần thiết”.
Tại Phiên họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 10 diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-10 của Đại hội đồng Liên hợp quốc để thảo luận các diễn biến căng thẳng đang diễn ra ở Dải Gaza, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, bày tỏ hết sức quan ngại trước tình hình leo thang hiện nay tại Trung Đông và gửi lời chia buồn sâu sắc tới những gia đình nạn nhân trong các cuộc tấn công vừa qua. Đại sứ nêu rõ, là một đất nước trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh và mất mát, Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu; đồng thời, nhấn mạnh các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngừng bắn, thả con tin ngay lập tức, chấm dứt và kiềm chế các hành động thù địch và bạo lực.