Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã ký vào bản Thông cáo chung

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 2, Đại hội đồng AIPA- 37 đã nghe các báo cáo của Ủy ban Nữ nghị sỹ, Ủy ban về các vấn đề chính trị, Ủy ban về các vấn đề Tổ chức, Ủy ban về các vấn đề kinh tế, Ủy ban về các vấn đề xã hội và Ủy ban Thông cáo chung, đồng thời thông qua các báo cáo đã được thảo luận tại các Ủy ban.

Với chủ đề “AIPA sống động vì một Cộng đồng ASEAN tiến bộ',' trong 3 ngày diễn ra sự kiện, 7 Ủy ban chức năng của AIPA- 37 bao gồm: Ủy ban Chấp hành, Ủy ban Nữ nghị sỹ, Ủy ban về các vấn đề chính trị, Ủy ban về các vấn đề Tổ chức, Ủy ban về các vấn đề kinh tế, Ủy ban về các vấn đề xã hội và Ủy ban Thông cáo chung đã thảo luận và trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, có ý nghĩa quan trọng với Cộng đồng ASEAN như đảm bảo an ninh mạng trong ASEAN, giải quyết vấn đề việc làm bền vững cho phụ nữ ASEAN, phòng chống dịch bệnh do virus Zika, tạo cơ hội việc làm và điều kiện làm việc tốt trong phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; xem xét, thảo luận vấn đề thực hiện Kế hoạch hành động của Tuyên bố ASEAN về tăng cường bảo vệ xã hội; xem xét dự thảo và nhất trí thông qua Nghị quyết sửa đổi Chương trình nghị sự của nữ Nghị sỹ AIPO nhằm giúp các nữ Nghị sĩ thực hiện chức năng, nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất. 

Tại Đại hội đồng AIPA-37, Việt Nam đã đề xuất và trình ba nghị quyết. Cả ba nghị quyết được các thành viên AIPA hoan nghênh, ủng hộ cao và đã được thông qua tại Đại hội đồng.

Thứ nhất, nghị quyết tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm an ninh mạng trong ASEAN kêu gọi AIPA thúc đẩy ASEAN cùng xây dựng khuôn khổ pháp lý chung về bảo đảm an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối thoại, đối tác; Tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh mạng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, góp phần xây dựng và củng cố lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, bảo đảm an ninh an toàn không gian mạng, đối phó với các thách thức an ninh mạng, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và toàn cầu. 

Thứ hai, nghị quyết thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tham gia và tối ưu hóa chuối giá trị toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong ASEAN vào chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó thúc đẩy hình thành một mạng lưới các SMEs trong khu vực để cùng phát triển các SMEs và tối ưu hóa chuỗi giá trị toàn cầu; Phát huy vai trò của AIPA và các Nghị viện thành viên hình thành các khuôn khổ pháp lý, củng cố luật pháp trong nước phù hợp với các văn bản pháp lý của ASEAN và các thỏa thuận, nhằm thúc đẩy sự phát triển và tham gia của SMEs vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, nghị quyết kêu gọi Chính phủ các nước thành viên ASEAN có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ các SMEs hình thành và tham gia cụm liên kết ngành, tiếp cận đầy đủ thông tin, đánh giá, phân tích chuyên sâu về những cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của ASEAN, tác động đối với các ngành nghề để nắm bắt các cơ chế và luật chơi của thị trường kinh tế toàn cầu, tận dụng cơ hội do các FTAs giữa ASEAN và các đối tác.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA-37.

Quốc hội Việt Nam cũng đã đề xuất và được Đại hội đồng AIPA-37 ủng hộ và thông qua Nghị quyết về tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong ASEAN nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người dân trong toàn Cộng đồng ASEAN về vấn đề biến đổi khí hậu. 

Sau khi thông qua toàn bộ 25 nghị quyết, trưởng đoàn đại biểu của các thành viên AIPA đã ký Thông cáo chung. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã ký vào bản Thông cáo chung. 

Theo TTXVN; quochoi.vn; ảnh: Trọng Đức