Giao thoa văn hóa
Vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19, dự án Nhà hát Hồ Gươm hoàn thành chỉ trong 22 tháng và gây ấn tượng bởi phong cách thiết kế tân cổ điển, có sự giao thoa văn hóa bản địa và đương đại.
Nhà hát có 6 tầng nổi, 3 tầng hầm, gồm khán phòng chính 900 chỗ ngồi, phòng hòa nhạc 500 chỗ và các khu vực trưng bày, triển lãm nghệ thuật và các công trình phụ trợ khác. Điểm nhấn kiến trúc châu Âu là 52 cột đá nguyên khối nhập khẩu từ Tây Ban Nha, cùng các mặt kính và mái vòm bao bọc tòa nhà.
Hy vọng trở thành di sản
Tuy nhiên, từng chi tiết thiết kế của hệ mái sảnh và nội thất bên trong nhà hát lại tái hiện một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam qua những hoa văn truyền thống biểu trưng cho văn hóa Việt như mặt trời, chim hạc, trống đồng Đông Sơn, các nhạc cụ dân tộc... cùng các họa tiết phù điêu tinh xảo và nhiều chi tiết, hình ảnh trang trí như rùa vàng trao kiếm hay hệ thống tranh sơn mài… tại các phòng khách, phòng VIP hay các khu chức năng.
Đặc biệt ấn tượng là bức phù điêu “Huyền thoại Hồ Gươm” đặt trên khối kính màu xanh lục tại sảnh thông giữa tầng hầm 1 và hầm 2, nhằm kết nối không gian bằng hình khối và ánh sáng.
Đáng chú ý, Nhà hát Hồ Gươm có khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật, từ opera, nhạc giao hưởng, nhạc kịch, cho tới biểu diễn âm nhạc hiện đại, hội thảo, show truyền hình... Các thiết bị âm thanh tại đây đều được đặt hàng riêng để tương thích với thiết kế nhà hát, tuân thủ những tiêu chuẩn cao nhất.
Tới dự lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm sáng 9.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là một trong những công trình kiến trúc văn hóa mang tính biểu tượng của lực lượng công an nhân dân và góp phần tô thắm hình ảnh của TP.Hà Nội.
“Đây là một thiết chế văn hóa với không gian nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, có kết nối với công trình văn hoá lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh Hồ Gươm tạo thành một quần thể văn hóa của thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại và hoà bình”, Thủ tướng nói.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý thật tốt để Nhà hát Hồ Gươm phát huy giá trị truyền thống văn hóa nghệ thuật của dân tộc, tăng cường giao lưu văn hóa trong nước cũng như quốc tế. "Chúng tôi cũng cho rằng đây là những tình cảm của lực lượng công an nhân dân đối với nhân dân thủ đô và nhân dân cả nước”, ông Tô Lâm nói.
Tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: “Sau Nhà hát Lớn, chúng ta lại thấy một nhà hát vừa hiện đại vừa cổ điển, vừa ghi dấu ấn lịch sử Việt Nam, lại vừa kể được câu chuyện của hiện tại. Chúng ta có quyền hy vọng rằng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản cho đời sau, giống như cách mà 'thánh đường nghệ thuật' Nhà hát Lớn đã ghi dấu ấn trong lòng Hà Nội”.
Theo Thanh niên