Theo France 24, bóng chuyền bãi biển không phải là môn thể thao duy nhất gây tranh cãi về trang phục. Gần đây, đội bóng ném bãi biển của Na Uy bị phạt vì chuyển sang mặc quần đùi. Trong khi vận động viên Olivia Breen bị phản ánh về việc quần bikini của cô quá ngắn.
Chia sẻ với France 24, Olivia Breen nói: "Tôi đã mặc kiểu quần này để thi đấu trong nhiều năm. Tôi nhận ra cần phải có các quy định và hướng dẫn cụ thể về trang phục thi đấu. Trên hết, chúng phải thoải mái và dễ chịu".
Vận động viên Olivia Breen bị phê bình khi diện trang phục thi đấu quá ngắn. Ảnh: 15 Minute News.
Cô gái 24 tuổi cho biết bản thân hoàn toàn tuân thủ các quy định về đồng phục thể thao cho phép các vận động viên mặc đồ của nhà tài trợ. Miễn là họ mặc áo khoác của quốc gia và trang phục không phản cảm hoặc xuyên thấu.
Breen đã đệ đơn khiếu nại chính thức tới England Athletics nhưng cô chưa nhận được phản hồi. Vận động viên trẻ sẽ tham gia Paralympic Tokyo vào tháng 8 này và dự định vẫn mặc chiếc quần bikini "gây tranh cãi".
Phân biệt giới tính và tiêu chuẩn kép trong trang phục
Theo France 24, Alice Diding - vận động viên bơi lội da màu đầu tiên từng đại diện cho đội tuyển Anh tại Thế vận hội Tokyo - sẽ không được phép đội mũ bơi được làm riêng cho mái tóc đen tự nhiên mà cô quảng cáo.
Đầu tháng 7/2021, Liên đoàn Bơi lội Quốc tế (FINA) cấm sử dụng các loại mũ bơi được sản xuất đặc biệt để bảo vệ tóc cho Thế vận hội năm 2021. Soul Cap, công ty sản xuất mũ bơi bị FINA phê bình là sản phẩm của họ không phù hợp với "hình dạng tự nhiên của đầu".
Các quy định trong trang phục thi đấu có nhiều bất lợi cho phái nữ. Ảnh: Espn.
Liên đoàn bóng ném châu Âu (EHF) đã phạt đội bóng ném bãi biển nữ Na Uy 1.780 USD vì mặc quần đùi thay vì quần bikini tại giải vô địch Euro 2021. EHF cho biết quy định về đồng phục yêu cầu các vận động viên nữ mặc quần bikini "bó sát và không quá dài".
Mặt khác, các vận động viên nam môn bóng ném bãi biển được tự do mặc quần shorts dài trên đầu gối 10 cm, miễn là không "rộng thùng thình".
Nhiều đội đã tiếp cận EHF trước khi thi đấu để xin phép diện quần đùi. Câu trả lời họ nhận được là bất kỳ vi phạm nào cũng sẽ bị phạt.
Đội bóng ném bãi biển nữ Na Uy bị phạt tiền vì tự ý thay đổi đồng phục bikini. Ảnh: The New York Times.
Ai quyết định về quy chuẩn trang phục tại Olympic?
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) - cơ quan phụ trách tổ chức Thế vận hội Olympic - cho biết họ không có trách nhiệm thiết lập và thực thi các quy định về đồng phục. Tùy thuộc vào các liên đoàn quốc tế đối với từng môn thể thao riêng lẻ để quyết định trang phục phù hợp cho từng nhóm giới tính.
Helen Jefferson Lenskyj, giáo sư tại Đại học Toronto chia sẻ các quyết định thống nhất dựa trên "những cân nhắc thực tế liên quan đến nhu cầu của môn thể thao, nguồn gốc truyền thống hoặc phân biệt giới tính". Một số liên đoàn cũng cho biết quyết định của họ đảm bảo tính công bằng.
Tuy nhiên, Lenskyj nhận thấy sự phân biệt giới tính rõ ràng khi thi đấu, đặc biệt là nhiều liên đoàn vẫn chủ yếu do nam giới điều hành.
"Các môn thể thao được đánh giá dựa trên tính thẩm mỹ như trượt băng nghệ thuật có quy tắc về trang phục làm nổi bật vẻ đẹp nữ tính. Ngược lại, tiêu chuẩn đồng phục của bóng chuyền bãi biển nữ chỉ dựa trên sự hấp dẫn về giới tính", cô nói.
Trang phục dự thi môn trượt băng nghệ thuật giúp tôn lên vóc dáng cho người diện mà không cần hở hang. Ảnh: Pop Sugar.
Janice Forsyth - cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Olympic Quốc tế của Đại học Western ở Ontario - nói với France 24: "Các liên đoàn quốc tế cố gắng lôi kéo người xem thể thao nữ bằng cách bắt họ diện trang phục ngắn. Điều này giúp họ sinh lợi hơn nhờ thu hút các nhà tài trợ và hợp đồng quảng cáo cho vận động viên".
Ngay trước Thế vận hội London 2012, Hiệp hội Quyền anh Quốc tế nghiệp dư bắt các nữ võ sĩ mặc váy thay vì quần đùi. Lý do của họ là khán giả sẽ dễ dàng phân biệt võ sĩ nữ và võ sĩ nam.
Đề nghị này đã gây ra nhiều phẫn nộ. Võ sĩ nghiệp sư Elizabeth Plank quyết định gửi bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu phụ nữ được tự do lựa chọn trang phục họ mặc trên võ đài. Sau khi thu hút hơn 57.000 chữ ký, quyết định được sửa đổi và các võ sĩ nữ được tự do lựa chọn giữa quần đùi hoặc váy.
Cùng năm đó, Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế (FIVB) đã thay đổi quy định về trang phục. Trước khi có sửa đổi, người chơi nữ buộc phải mặc bikini hoặc đồ bó sát trong các trận đấu. Tuy nhiên, áp lực của công chúng tăng lên và FIVB công bố các quy định mới, cho phép phụ nữ mặc quần đùi và áo có tay vì tôn trọng " yêu cầu về tôn giáo và văn hóa" của một số quốc gia.
Do khác biệt về văn hóa và tôn giáo, quy định về trang phục cần phải thay đổi để phù hợp hơn. Ảnh: DW.
Theo Zing