Anh Vũ Lượng làm việc tại Noida, giáp thủ đô New Delhi, được 3 năm và đã trải qua làn sóng thứ nhất ở Ấn Độ.

Anh mô tả tình hình hiện tại ở Ấn Độ căng thẳng hơn rất nhiều so với năm ngoái. Số lượng người nhiễm và người chết tăng lên đến mức chóng mặt, các bãi hỏa táng quá tải còn thi thể người mắc Covid-19 được mai táng trên những đống củi đặt cạnh nhau.

Số liệu của Ấn Độ - hơn 300.000 ca nhiễm mới/ngày - là mức cao chưa từng có đối với một quốc gia trên thế giới kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đáng lo ngại hơn, biến chủng được cho đang lây lan mạnh ở Ấn Độ là một biến chủng mang "đột biến kép", có cả khả năng lây lan cao hơn và độc lực mạnh hơn.

Trao đổi với Zing, một số người đang sống tại Ấn Độ - cả người Việt và người Ấn - đều kể về một cuộc khủng hoảng y tế quy mô lớn đang hoành hành tại đây, và những dự cảm về các hậu quả kinh tế sau đó.

"Người dân không chết vì Covid-19 thì cũng chết vì thiếu ăn", anh Lượng nói.

nguoi viet o an do anh 2

Gia đình bệnh nhân khóc trước cổng một nhà xác bệnh viện ở Dehli khi thấy thi thể người thân. Ảnh:New York Times.

"Người dân vẫn tụ tập trò chuyện"

Anh Lượng cho biết ở Noida, đa số người dân không quá quan tâm đến Covid-19. “Hầu hết mọi người không dùng khẩu trang”.

Nguyên nhân một phần là do vấn đề kinh tế, phần khác là do ý thức của người dân. Sống ở đây đã 3 năm, anh nhận định người giàu và người nghèo có khoảng cách rất lớn. “Người giàu mới có tiền mua khẩu trang”.

“Người ta biết virus có thể gây chết người, nhưng mua khẩu trang bên này rất khó. Bình thường mỗi ngày một người phải thay một chiếc khẩu trang. Tuy nhiên, vì kinh tế khó khăn, rất ít người có đủ điều kiện để làm như vậy. Nếu có người đeo khẩu trang, thì đó thường là khẩu trang vải”, anh nói.

nguoi viet o an do anh 3

Nhiều người bệnh mới không được bệnh viện tiếp nhận. Ảnh:Reuters.

Ở Noida, hình phạt đối với người không đeo khẩu trang là phạt 1.000 INR (khoảng 14 USD). Nếu tái phạm thì sẽ bị phạt gấp 10 lần. Dẫu vậy, người dân vẫn rất thờ ơ.

Bên cạnh đó, thời tiết nóng nực, có khi lên tới 40 độ C vào mùa này, cũng là một nguyên nhân khiến người ta bất chấp những hiểm họa.

“Số ít người chỉ đeo khẩu trang với tâm lý tránh bị phạt, còn số đông vẫn không đeo”, anh Lượng nói.

Thậm chí, bất chấp báo đài thường xuyên đưa tin về tình hình dịch bệnh tàn khốc tại các thành phố lớn, nhiều người dân Noida vẫn tụ tập thành nhóm và nói chuyện với nhau bình thường mà không có khẩu trang.

“Người ta phạt thì cứ phạt, nhưng người dân không có tiền đóng”, anh Lượng cho biết.

Anh Praneet Koroth, sống tại bang Maharashtra, cho biết tình hình dịch bệnh nơi đây không quá nghiêm trọng như các thành phố lớn. Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 tại đây cũng đã tăng lên đáng kể, khiến anh cảm thấy rất lo lắng.

Anh nói rằng hầu hết ca nhiễm mới đều bắt nguồn từ những người đi làm ở các thành phố lớn xung quanh. Phần lớn những người này đều hàng ngày đi đi về về giữa Vasai-Virar và Mumbai bằng tàu, và họ hầu như không tuân thủ các quy định hạn chế.

Koroth tin rằng nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh leo thang là do người dân xem nhẹ sự nguy hiểm của Covid-19 và không tuân thủ các biện pháp.

“Mọi người không hiểu rõ sự nguy hiểm của loại virus này. Trước đây, tỷ lệ phục hồi ở Ấn Độ vào khoảng 90%, vì vậy người ta chủ quan rằng mọi chuyện sẽ ổn”, anh nói. “Đặc biệt là giới trẻ. Tôi khá chắc rằng những ngày này vẫn có nhiều bạn trẻ tụ tập tiệc tùng cùng nhau. Các bạn ấy không nghĩ đến người khác, không nghĩ tới việc mình có thể sẽ mang virus về nhà và đặt cha mẹ vào tình cảnh nguy hiểm”.

Anh cho biết trước khi Ấn Độ lâm vào thế vỡ trận như hiện nay, phần lớn mọi người đều có suy nghĩ rằng “không sao đâu, có mắc bệnh thì cũng sớm khỏi thôi”.

Chỉ đến khi số ca nhiễm tăng quá nhiều và các bệnh viện bắt đầu chật kín, người ta mới bắt đầu sợ hãi.

nguoi viet o an do anh 4

Ấn Độ huy động toàn bộ lực lượng để tiếp tế dưỡng khí cho các bệnh viện. Ảnh:Reuters.

Anh Lượng chia sẻ thêm vào tháng 3 tất cả lễ hội ở Ấn Độ diễn ra bình thường. Cách đây hai tuần, các địa điểm du lịch vẫn mở. Hiện tại, các công ty, nhà xưởng và sân bay vẫn được phép hoạt động. Dịch vụ xe buýt ở bang anh vẫn còn mở.

Thậm chí ở nơi anh làm việc, nhiều người đã bị nhiễm bệnh nhưng công ty không hề khử khuẩn văn phòng hay cách ly nhân viên. Công việc vẫn diễn ra bình thường. Chỉ có những người bị bệnh là được nghỉ ở nhà.

“Tôi chỉ đi làm và về nhà rồi ở luôn trong nhà thôi. Có khi tôi phải đeo hai chiếc khẩu trang. Tôi mang khẩu trang từ Việt Nam và Hàn Quốc sang. Ở Ấn Độ không có đủ khẩu trang để mua”, anh Lượng nói, cho biết anh lo lắng về đợt dịch này hơn lần trước rất nhiều.

"Không chết bệnh thì cũng chết vì thiếu ăn"

Praneet Koroth là một chủ nhà xưởng sản xuất máy đóng gói ở Vasai-Virar, bang Maharashtra, cách Mumbai khoảng 2, 3 giờ lái xe.

Anh cho biết Vasai-Virar đang phải chịu lệnh phong tỏa đến ngày 1/5. Mỗi hộ dân chỉ ra ngoài một lần mỗi tuần để mua đồ dùng và thực phẩm. Đợt phong tỏa này có rất nhiều quy định nghiêm ngặt, nhưng vẫn chưa phải phong tỏa hoàn toàn. Một số ngành nhất định vẫn được phép hoạt động, nhưng ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng xấu.

Hoạt động kinh doanh của gia đình anh cũng đang bị chững lại, ảnh hưởng khá nhiều đến thu nhập. Kể từ năm ngoái, gia đình đã cắt giảm gần như toàn bộ các khoản chi không cần thiết.

nguoi viet o an do anh 5

Tụ tập đông người tại các sự kiện tôn giáo và chính trị được cho là các nguyên nhân dẫn đến khủng khoảng Covid-19 ở Ấn Độ. Ảnh:Reuters.

Tuy nhiên, anh tin mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người vì vẫn có thể làm việc.

Nhiều loại hình kinh doanh khác phải ngưng hoạt động hoàn toàn. Công nhân và tiểu thương là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Anh Koroth nói rằng phần lớn công nhân tại Ấn Độ thường là người tỉnh lẻ đến các thành phố lớn làm việc. Vì vậy, khi dịch bệnh bùng phát và chính phủ ban lệnh phong tỏa, công nhân hoặc phải về quê, hoặc ở lại mà không có công ăn việc làm.

Các nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa hoàn toàn. Một nhà máy sản xuất thiết bị điện tử gần nơi anh sống, vì không cung ứng các dịch vụ thiết yếu, cũng bị buộc đóng cửa.

“Các tiểu thương kiếm sống bằng việc bán hàng nên họ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì phong tỏa, ngoại trừ các cửa hàng thuốc và nhu yếu phẩm”, anh nói.

Anh Lượng cũng mô tả tình trạng tương tự. Hiện tại, Ấn Độ đang áp dụng giờ giới nghiêm vào buổi tối và hai ngày cuối tuần. Những người được đi làm phải về nhà trước 20h và 7h sáng hôm sau mới được ra khỏi nhà. Mỗi thành phố có một quy định riêng. Chính phủ chỉ cho phép các cửa hàng nhu yếu phẩm hoạt động.

“Kinh tế bị đóng cửa nên sẽ không trụ được lâu", anh nói.

Ấn Độ khủng hoảng nguồn lực

Theo anh Lượng, so với các báo cáo, số ca nhiễm thực tế trong cộng đồng là điều khó có thế xác định chính xác, vì bệnh do biến chủng mới gây ra, nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện gì, kể cả bị sốt. Chỉ khi xét nghiệm thì người ta mới biết mình có bị bệnh hay không.

Anh mô tả hệ thống y tế ở hầu hết thành phố lớn đều quá tải, không có đủ oxy, giường bệnh và thiết bị y tế, ngay cả bệnh viện dã chiến cũng không còn chỗ. Chính phủ thậm chí còn phải dùng máy bay quân đội để tiếp tế oxy cho các bang.

Nhiều người mắc bệnh khó có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc, đặc biệt là người nghèo. Đa số bệnh nhân mới đều phải tự lo cho mình và sống chết dựa vào may rủi.

Có những trường hợp thậm chí bị từ chối nhập viện. Trong khi đó, không ít bệnh nhân may mắn vào được bệnh viện nhưng lại phải nằm ngoài hành lang. Chỉ những ca quá nặng mới được chuyển vào phòng.

nguoi viet o an do anh 6

Số người chết vì Covid-19 ở Ấn Độ tăng mạnh, các bãi hỏa táng ngày đêm rực lửa. Ảnh:Reuters.

Ngoài ra, anh Lượng chỉ ra rằng vấn đề giải mã trình tự gene của virus ở Ấn Độ cũng rất hạn chế. Anh tin đây là một trong những nguyên nhân lớn đóng góp vào tình trạng hỗn loạn hiện nay.

Anh cho biết Ấn Độ đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn, bắt đầu từ giữa tháng 4. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine cũng chưa chắc mang lại an toàn tuyệt đối cho mọi người.

Bên cạnh đó, ở Ấn Độ, hiện có hai dịch vụ tiêm vaccine là dịch vụ miễn phí và dịch vụ trả phí. Người trả phí sẽ được tiêm nhanh hơn. Còn người không trả phí phải chờ đợi khá lâu.

Điều này càng làm rõ hơn khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Độ, anh nhận định.

Trong trường hợp cần trợ giúp, người Việt có thể liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ theo số +91-7303-625-588 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân theo số +84-981-848-484.

 

Theo Zing