Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, năm 2019 quốc gia này đón 14,6 triệu trẻ em chào đời, giảm 4% so với năm 2018, và là số ca sinh thấp nhất kể từ năm 1961. Trong năm cuối cùng của nạn đói lịch sử 1961, chỉ có 11,8 triệu trẻ được sinh ra trong năm này. Như vậy trong 3 năm liên tiếp, số ca sinh của Trung Quốc giảm mạnh. Số trẻ em ra đời chỉ tăng nhẹ vào năm 2016 khi các cặp vợ chồng được phép sinh hai con.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán dân số nước này sẽ đạt mức 1,4 tỷ người vào năm 2029, nhưng sau đó sẽ chứng kiến sự sụt giảm "không thể ngừng lại". Nếu tỷ lệ sinh vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay, thì đến năm 2065, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1,17 tỷ người. 

Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 60 năm trở lại đây. Ảnh: NYtimes.

Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 60 năm trở lại đây. Ảnh:NYtimes.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của việc suy giảm dân số là do số lượng phụ nữ có trình độ học vấn cao trong lực lượng lao động tăng mạnh. Những người này tin rằng, hôn nhân không phải điều kiện cần thiết cho an ninh kinh tế. Đối với các cặp vợ chồng, chi phí sinh hoạt tăng và thời gian dành cho công việc khiến họ không chịu được gánh nặng sinh con. "Đây là một xã hội không ai muốn kết hôn và cũng chẳng nuôi nổi đứa con", Vương Phong, giáo sư xã hội học Đại học California nói. "Tôi chưa từng nghĩ xã hội Trung Quốc sẽ trở nên như thế này, không chỉ một vài cá nhân, mà là cả một xã hội".  

Trương Âm Nhạc, kỹ sư 37 tuổi tại một công ty công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh cho hay, anh đã mất 10 năm tranh cãi với bố mẹ về quyết định không sinh con của mình. Giờ bố mẹ Trương không còn đề cập đến vấn đề này nữa.

"Tôi coi trọng đời sống tinh thần và sở thích của mình", Trương nói. "Đứa trẻ sẽ lấy đi nhiều năng lượng của tôi, điều này không thể chấp nhận được".

Giống như Trương, người trưởng thành từ chính sách "con một", Đổng Sướng (28 tuổi), người Thượng Hải là nhân viên hành chính của một phòng khám nha khoa, cũng là con gái duy nhất của một gia đình khá giả. Cô gái thích tiêu tiền cho bản thân và không quan tâm đến việc sinh con. "Tôi là con một và vẫn là một đứa trẻ. Làm sao tôi có thể nuôi nổi một đứa trẻ khác? Tôi không thể chăm sóc hay cho nó ăn sữa lúc nửa đêm được", cô gái này cho hay.

Hiện Đổng đang sống cùng bạn trai nhưng họ không kết hôn bởi "không muốn ràng buộc bởi những đứa trẻ gây phiền hà". 

Lâm Mỹ (26 tuổi), nhân viên một tổ chức phi chính phủ tại Bắc Kinh cho biết cô không có lý do gì để sinh con. Cô gái này từng muốn có một gia đình theo đúng chuẩn mực xã hội nhưng sau đó hiểu ra rằng không phải tất cả phụ nữ đều cần có con, và cô đã thực hiện đúng như vậy.

"Tôi nghĩ mình vẫn quá trẻ. Khi già đi, có thể tôi sẽ thay đổi suy nghĩ, nhưng tôi vẫn không hiểu sinh ra một đứa trẻ để làm gì", cô nói.

Mặc dù trên thế giới nhiều quốc gia cũng đang vật lộn với mức sinh thấp và già hóa dân số, nhưng vấn đề này tại Trung Quốc trở nên cấp thiết hơn. Nguyên nhân là do hệ thống an sinh xã hội kém phát triển, đa phần người cao tuổi nước này chủ yếu dựa vào gia đình để chi trả cho việc chăm sóc y tế và nghỉ hưu. Sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng trẻ phải chăm sóc bố mẹ hai bên mà không có anh chị em ruột cùng gánh vác. 

"Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, GDP bình quân của Trung Quốc vẫn bằng khoảng một phần ba hoặc một phần tư của các nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh suy giảm lại đến nhanh hơn và triệt để hơn so với các nước giàu. Không giống như hầu hết các nước phát triển, Trung Quốc đang già đi mà không kịp làm giàu", giáo sư Vương Phong nói.

Chính sách một con kéo dài nhiều năm đã khiến giới trẻ sinh ra ở thời kỳ này ngại sinh con. Ảnh: NYtimes.

Chính sách một con kéo dài nhiều năm đã khiến giới trẻ sinh ra ở thời kỳ này ngại sinh con. Ảnh:NYtimes.

Tỷ lệ sinh giảm có tác động quan trọng đến nền kinh tế và dự trữ lao động Trung Quốc. Nếu tỷ lệ sinh tiếp tục giảm và tuổi thọ tăng, sẽ không có đủ người trẻ để hỗ trợ kinh tế và hỗ trợ người già. Người cao tuổi là bộ phận tăng trưởng nhanh nhất và gây thêm áp lực lên hệ thống lương hưu của Trung Quốc và các bệnh viện trở nên quá tải.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, quỹ hưu trí của nước này có nguy cơ cạn kiệt vào năm 2035 do lực lượng lao động giảm, vì quỹ này  phụ thuộc vào một phần thu nhập của người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng lao động không đủ để hỗ trợ người về hưu.

"Dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu thu hẹp từ năm 2027", Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc đưa ra nhận định vào năm 2018, tuy nhiên theo nhiều đánh giá sự thu hẹp này sẽ bắt đầu sớm hơn.

Tài Dũng, một giáo sư xã hội học tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ) cho hay, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này sẽ khiến Trung Quốc từ nền kinh tế có lợi thế lớn về lao động giá rẻ thì đang dần "mất nhiệt".

Theo vnexpress