Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), số phụ nữ dự kiến sinh con trong năm nay có thể tăng 42% hoặc 751.000 người, đạt tổng số 2,6 triệu người nếu các hạn chế về đi lại vẫn còn hiệu lực đến cuối năm 2020, VICE đưa tin.

“Đây là dịch bệnh trong dịch bệnh”, Aimee Santos-lyons, viên chức chương trình UNFPA, nhận định. Bà cho biết thêm tỷ lệ bà mẹ tử vong khi sinh cũng đang gia tăng.

Tuyên bố đáng báo động của bà Aimee được đưa ra sau khi một nhóm những người ủng hộ quyền phụ nữ kêu gọi khẩn cấp thông qua một dự luật phi hình sự hóa việc phá thai, khi tỷ lệ mang thai gia tăng do các gia đình chủ yếu ở nhà.

mang thai ngoai y muon o Philippines anh 1

Philippines thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh:Bloomberg.

Với dân số 109 triệu người, Philippines đã thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển trong 6 tháng để ngăn Covid-19 lây lan. Tính đến 30/9, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở nước này là 312.000, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã mở rộng việc kiểm dịch cộng đồng ở khu vực thủ đô Manila và một số tỉnh có số ca bệnh tăng đột biến.

“Các hạn chế đi lại được áp dụng để làm chậm và ngăn chặn việc lây lan Covid-19. Tuy nhiên, hậu quả không mong muốn của biện pháp này là có thể đã giúp củng cố sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới”, bà Aimee nhận xét.

mang thai ngoai y muon o Philippines anh 2
Số phụ nữ dự kiến sinh con trong năm nay có thể tăng 42% hoặc 751.000 người, đạt tổng số 2,6 triệu người nếu các hạn chế về đi lại vẫn còn hiệu lực đến cuối năm 2020. Ảnh:AFP.

Một nghiên cứu của Viện Dân số Đại học Philippines (UPPI) cho thấy các biện pháp hạn chế đi lại khiến hàng triệu phụ nữ nước này không còn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Nghiên cứu cũng cảnh báo rằng bạo lực tình dục và bạo hành trong gia đình dự kiến tăng lên tới 839.000 trường hợp vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, việc các loại hình giao thông công cộng tạm ngừng hoạt động trong những tháng đầu thực hiện phong tỏa đã khiến phụ nữ không thể tiếp tục các cuộc kiểm tra sức khỏe bà mẹ hoặc trẻ sơ sinh.

UNFPA đã kêu gọi chính phủ Philippines xem xét lại các hạn chế về đi lại và đảm bảo các dịch vụ sức khỏe sinh sản luôn sẵn sàng cho người dân, đặc biệt là cho tầng lớp trung lưu và người nghèo trong xã hội.

Theo  Zing