Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng đội ngũ của mình không đeo khẩu trang ra tiếp đón đoàn khách và thủy thủ đoàn của du thuyền Westerdam được ông cho vào cập bến ở Sihanoukville ngày 14-2 để lên đường về nước sau khi tàu bị nhiều nước chối từ - Ảnh: Reuters
“Hôm trước cũng có mấy người nói tiếng Hoa đến casino của tôi chơi bài. Nhưng nhiều khách chơi không đồng ý chơi chung, nên họ phải về. Ông T. (cổ đông lớn của một casino ở Prey Vor, giáp cửa khẩu Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) kể với phóng viên Tuổi Trẻ |
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ chiều 16-2, trung tá Lê Trọng Tình cho biết: công tác trên được thực hiện theo đúng chỉ đạo vừa tạo điều kiện cho người dân qua lại biên giới làm ăn, du lịch... được thuận lợi, đồng thời đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 đang lây lan ở nhiều nước. Tuy nhiên trung tá Lê Trọng Tình cho biết thêm rằng tình trạng người dân xin xuất cảnh qua bên kia biên giới, tham gia đánh bạc tại các sòng bạc của người Trung Quốc đã không còn diễn ra.
Đại tá Sea Sokha - trưởng Ban công tác đối ngoại biên giới, thuộc QK3, Quân đội hoàng gia Campuchia - cũng xác nhận sau lệnh cấm đánh bài trực tuyến, nhiều người Trung Quốc tổ chức bài bạc ở khu vực biên giới phía nam nước này đã rút đi. Đại tá Sokha khẳng định công tác phòng chống dịch khu vực biên giới được phía Campuchia tổ chức đồng bộ, việc kiểm tra y tế khách qua lại biên giới cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng.
"Do phía Việt Nam các bạn đã thực hiện kiểm tra y tế người nước ngoài qua lại biên giới rất nghiêm nên đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong công tác kiểm soát" - đại tá Sea Sokha nhận xét và cũng cho biết lượng khách nước ngoài qua lại biên giới đã giảm nhiều từ khi có dịch COVID-19.
Anh Danh Chanh Thy - một doanh nghiệp lữ hành có trụ sở chính tại tỉnh Kampot (Campuchia), chuyên tổ chức đưa khách quốc tế, khách từ Việt Nam đi các tỉnh của Campuchia - cũng xác nhận với Tuổi Trẻ rằng lượng khách mua vé đi qua lại giữa hai nước đã giảm rất nhiều, do những lo ngại dịch COVID-19.
Trên thực tế, phần lớn trong số hàng trăm sòng bạc do người Trung Quốc xây dựng ở Campuchia đã phải đóng cửa do lệnh cấm đánh bạc trực tuyến của chính quyền Phnom Penh từ nửa cuối năm 2019. Số người Trung Quốc làm việc tại các sòng bạc này đã giảm hẳn cùng với số người chơi.
Đơn cử là Casino Shanghai - một phức hợp sòng bạc, bất động sản, nghỉ dưỡng... được xây dựng biệt lập tại một khu đất rộng lớn gần cửa Tho Mo, tỉnh Svay Riêng (Campuchia), giáp ranh xã Mỹ Quý Tây (tỉnh Long An). Sau lệnh cấm của chính quyền Thủ tướng Hun Sen, vẫn còn nhiều người Việt, người Trung Quốc lẫn người Campuchia từ Phnom Penh đến chơi bài.
Một tuần lễ sau thông tin dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, khách chơi không còn vào casino này nữa. Hiện tại, Casino Shanghai chỉ còn lực lượng bảo vệ trông giữ tài sản. Hầu hết các nhân viên người Trung Quốc đã rút về nước.
Từ Shihanoukville, ông Sok Chea, chủ tịch Hội Khmer - Việt tại thành phố biển sung túc bậc nhất Campuchia này (cách cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang chỉ trên 100km), cho biết người Khmer gốc Việt ở đây vẫn làm ăn bình thường và chịu rất ít tác động bởi làn sóng người Trung Quốc bỏ về nước. "Có không dưới 80% lượng khách lẫn lao động từ Trung Quốc bỏ về nước. Hầu hết các casino quy mô trung bình, nhỏ tại Kampongsom (tên khác của Shihanoukville) đều phải đóng cửa" - ông Sok Chea xác nhận.
Chiều 16-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Châu Văn Chi, chủ tịch Tổng hội Khmer - Việt tại Campuchia, cho biết tình hình người gốc Việt ở đây vẫn yên bình. Ông quan sát tại Campuchia những ngày này, chỉ có khoảng 10% những người đến nơi công cộng là có mang khẩu trang, nhưng họ mang "do thói quen từ trước tới giờ, chứ không phải do lo sợ dịch cúm". Theo ông Chi, sở dĩ tình hình vẫn "như mọi ngày" là do Chính phủ Campuchia khuyến cáo tình hình dịch không đến mức nghiêm trọng tại đất nước Angkor. "Hình ảnh thủ tướng tiếp xúc với khách nước ngoài mà vẫn không đeo khẩu trang đã tác động tâm lý người dân. Người dân Campuchia rất bình tĩnh, chưa xảy ra chuyện gì đâu" - ông Chi nói. |
Theo tuoitre