Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại La Habana, Cuba. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Như hầu hết các nước trên thế giới, Cuba hơn một năm qua phải đương đầu với đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng y tế và ảnh hưởng to lớn về kinh tế-xã hội.

Giữa muôn vàn khó khăn về kinh tế, thiếu thốn thuốc men, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm do những tác động nặng nề của lệnh cấm vận từ Mỹ, Cuba đã cho thấy bản lĩnh của “thép được tôi trong lửa đỏ và nước lạnh", càng trong thử thách càng kiên định và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Cuba ghi nhận những ca dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV-2 ngày 11/3/2020, đúng ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch.

Tuy nhiên, từ trung tuần tháng Một, Chính phủ Cuba đã bắt đầu chuẩn bị một chiến lược quốc gia để đối mặt với đại dịch như xây dựng Kế hoạch phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh bao gồm đào tạo nhân viên y tế, củng cố Chương trình quốc gia về giám sát nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, đặc biệt quan trọng là chuẩn bị và mở rộng cơ sở hạ tầng xét nghiệm và chẩn đoán phân tử SARS-CoV-2 tại 15 tỉnh thành và huyện đảo Isla de la Juventud.

Bộ Y tế cũng ngay lập tức triển khai một kế hoạch toàn diện được thiết kế để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng với sự tham gia của mọi thành phần trong ngành y tế từ cấp cơ sở.

Lực lượng bác sỹ và y tá gia đình thực hiện tuyên truyền về phòng chống dịch, cập nhật tình hình sức khỏe của từng gia đình trong từng khu phố, hàng trăm sinh viên y khoa trên cả nước tham gia vào các công tác điều tra sức khỏe, sàng lọc những người có triệu chứng, hỗ trợ cho công tác khoanh vùng và phát hiện sớm nguy cơ hình thành các ổ dịch.

Với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, Cuba đã ngăn chặn hiệu quả những làn sóng đầu tiên của dịch bệnh, với những con số thống kê thiệt hại thấp so với khu vực châu Mỹ nói riêng thế giới nói chung.

Trong hai tháng 4-5/2020, trung bình mỗi ngày Cuba chỉ ghi nhận từ 30-50 ca nhiễm mới và 2-3 ca tử vong, nhưng tới đầu tháng Sáu đã bắt đầu qua đỉnh dịch.

Ngày 7/6/2020, lần đầu tiên Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel tuyên bố đại dịch đã trong tầm kiểm soát và một tuần sau đó, Cuba bắt đầu giai đoạn khôi phục hậu COVID-19 tại hầu hết các địa phương, với tổng số các ca bệnh là 2.300 và số người thiệt mạng là 86.

Điểm mạnh của Cuba là kinh nghiệm phong phú trong phòng ngừa và ứng phó các đại dịch truyền nhiễm, cùng một lực lượng y bác sỹ hùng hậu, có chuyên môn và một hệ thống chỉ đạo nhất quán.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Cuba đối diện với COVID-19 trong tình cảnh khó khăn kinh tế kéo dài từ vài năm trước do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ, càng nghiêm trọng hơn khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump bổ sung 243 biện pháp trừng phạt mà tới nay vẫn còn nguyên hiệu lực, trong đó nhiều biện pháp được ban hành đúng thời điểm dịch bệnh hoành hành tại Cuba.

Đại dịch cũng ảnh hưởng tới du lịch, một trong những ngành kinh tế chủ chốt của Cuba. Điều này gây ra tình trạng thiếu thốn trầm trọng tại đảo quốc Caribe, ngay cả với những mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men, khiến cho Cuba gặp khó khăn ngay từ công tác lập các khu cách ly hiệu quả cho công dân từ nước ngoài trở về trong thời gian đầu dịch và sau này hầu như không thể tiến hành giãn cách xã hội hiệu quả khi mà người dân luôn phải ra khỏi nhà, di chuyển trên những phương tiện công cộng đông đúc và xếp hàng trước mỗi cửa hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Vì thế, Cuba đã không thể tránh khỏi cuộc “tấn công” của những biến thể mới như chủng Delta. Tính tới thời điểm hiện nay, Cuba ghi nhận trung bình hơn 9.000 ca nhiễm mỗi ngày, thuộc diện quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm theo đầu người cao ở Mỹ Latinh. Đây chính là thời điểm thử thách bản lĩnh của quốc đảo anh hùng này.

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel trong phát biểu trên truyền hình gần đây đã nhận định: “Chúng ta đang ở sát giới hạn chúng ta có về cơ sở hạ tầng, thuốc men và oxy."

Với các ca nhiễm trong ngày gần chạm mốc 10.000 trong suốt hai tháng qua, lực lượng bác sỹ và y tế Cuba đang phải dốc toàn lực để chữa trị cho người bệnh trong bối cảnh thiếu thốn kháng nguyên xét nghiệm, bình oxy, thuốc men và giường bệnh.

Những bộ quần áo ướt sũng mồ hôi trong các bộ đồ bảo hộ mặc hàng chục giờ đồng hồ, hay có cả những người đã mất do bị nhiễm bệnh trong khi làm nhiệm vụ, nhưng những “chiến binh áo trắng” Cuba trên tuyến đầu khẳng định họ chưa bao giờ đầu hàng, chưa một phút giây từ bỏ những nỗ lực cuối cùng dù là mong manh trong việc chữa trị và cứu sống bệnh nhân, để “không ai bị bỏ lại phía sau” như lời Chủ tịch Miguel Diaz-Canel từng kêu gọi.

Người dân sát khuẩn phòng dịch COVID-19 tại La Habana, Cuba. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 

Bác sỹ Rene Alfonso làm việc tại một bệnh viện trung tâm ở thủ đô La Habana, đã chia sẻ bức “tâm thư” trên trang Facebook cá nhân: “Chúng tôi làm việc nhiều giờ mà không có găng tay, xà phòng và nước; ngủ trong khu nội trú trong điều kiện đông đúc và sau đó trở về nhà trong tình trạng phơi nhiễm cho gia đình. Nhưng tất cả không là gì so với sự thiếu thốn về thuốc men, vật tư y tế - những vấn đề thực sự ám ảnh khi phải chứng kiến người bệnh trở nặng mà không có thuốc hay oxy hỗ trợ."

Tuy nhiên, vị bác sỹ này khẳng định, không ai trong số họ được phép từ bỏ, ngay cả khi có nhiều đồng nghiệp đã ra đi trong cuộc chiến không cân sức chống COVID-19, bởi trên tất cả đây là lương tâm và ý chí.

Bất chấp tất cả những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, đội ngũ y bác sỹ Cuba đã chữa khỏi cho hơn 473.000 bệnh nhân COVID-19. Số bệnh nhân không qua khỏi là 4.032 người trong tổng số hơn 517.000 ca mắc từ đầu dịch, tỷ lệ được đánh giá là rất thấp so với khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Y tế Cuba José Angel Portal Miranda đã gửi lời tri ân tới đội ngũ nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch, những người đã tạo nên điều ông gọi là “kỳ tích”: “Nếu không có họ, không có sự cống hiến, sáng tạo và hy sinh của họ, đất nước sẽ phải đối mặt với thời khắc khó khăn hơn rất nhiều".

Dấu ấn nổi bật trong cuộc chiến chống COVID-19 của Cuba chính là việc ngày 9/7/2021, vaccine ngừa COVID-19 Abdala, một trong năm ứng cử viên vaccine nội địa do chính Cuba bào chế và sản xuất, đã được cơ quan chuyên môn nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp, đưa Cuba trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên phát triển thành công vaccine ngừa COVID-19, với hiệu quả phòng bệnh được chứng minh đạt 92,28%.

Trong khi đó, ứng cử viên vaccine Soberana 02, đang chờ cấp phép sử dụng, cũng được công bố đạt hiệu quả 91,2% với liều bổ sung Soberana Plus (ngừa biến chủng). Đây lại là một thành quả vang dội nữa của ngành công nghệ sinh học nói riêng, cũng như những nỗ lực của giới khoa học Cuba nói chung trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Không chỉ thành công trong bào chế vaccine, Cuba còn thành công trong việc triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia. Sau khi bắt đầu tiêm phòng đại trà từ tháng 5/2021 tới nay, 25% người dân Cuba đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi hơn 40% dân số đã được tiêm ít nhất một liều. Cả hai con số này đều cao hơn mức trung bình của Mỹ Latinh.

Bộ Y tế Cuba đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 70% người trưởng thành vào cuối tháng Tám. Với tốc độ hiện nay, có thể đến tháng 10 hoặc 11, Cuba sẽ hoàn thành kế hoạch miễn dịch cho toàn dân và nhiều khả năng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện nhiệm vụ này hoàn toàn bằng vaccine nội địa.

Lý giải cho thành công của chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Cuba, yếu tố quan trọng nhất phải nói đến chính là sự tin tưởng tuyệt đối của người dân vào các bác sỹ và y tá gia đình, lực lượng được giao nhiệm vụ trực tiếp kêu gọi người dân đi tiêm phòng, cũng đảm nhiệm luôn khâu thực hiện và giám sát. Đây là những người tiếp cận trực tiếp người dân Cuba và nắm rõ tình hình sức khỏe của người dân trong khu phố, có được sự tín nhiệm cao của họ, bởi vậy ở Cuba gần như không có người dân nào phản đối việc tiêm vaccine.

Bác sỹ gia đình Jose Maria, phụ trách phòng khám trực thuộc Trạm xá đa khoa của quận Playa, thủ đô La Habana cho biết, ông được giao nhiệm vụ phụ trách địa điểm tiêm phòng COVID-19 đặt ngay bên cạnh phòng khám, và tới nay 90% người dân trong khu phố nơi ông làm việc đã được tiêm chủng đầy đủ. Ông chia sẻ thêm, hơn 20 năm làm việc tại phòng khám gia đình này, ông đã có được sự tin yêu của các cư dân nơi đây và cũng coi họ như những người thân của mình.

Ông nói: “Họ tìm tới tôi bất cứ lúc nào. Ở đây, bệnh nhân của tôi cũng là hàng xóm, bạn bè hay thậm chí là họ hàng. Đây cũng là nơi tôi sống.” Sau cuộc nói chuyện cởi mở, vị bác sỹ 60 tuổi có bề ngoài dễ mến đã đề nghị chúng tôi đưa ông đến tận nhà một số bệnh nhân nằm liệt giường để tiêm vaccine cho họ. Ông nói: “Nếu không gặp các bạn, tôi và chị y tá cũng sẽ tự mình đi bộ đến nhà họ như vẫn thường làm.”

Bên cạnh vaccine, Cuba còn tập trung phát triển các loại thuốc tăng cường miễn dịch cho những căn bệnh liên quan đến đường hô hấp (PrevengHo), dược phẩm kháng virus được sử dụng trong điều trị COVID-19 (Interferon Alpha 2B) tại nhiều nước, hay tự sản xuất máy thở phổi để giảm tải phần nào sự phụ thuộc vào các máy thở cơ học.

Các nhà khoa học Cuba còn tìm cách thay thế dần các thành phần nhập khẩu bằng thành phần chế tạo trong nước để sản xuất các mẫu xét nghiệm PCR, đem đến "sự tiết kiệm đáng kể và là giải pháp cho những trở ngại trong việc tiếp cận đầu vào" mà Cuba phải đối mặt do các biện pháp cấm vận kinh tế.

Trong cuộc chiến chống COVID-19, Cuba cũng thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế, đảm nhận sứ mệnh hỗ trợ y tế cho nhiều nước trên thế giới.

Ngay từ khi dịch bùng phát, Cuba đã cử hàng trăm nhân viên y tế hỗ trợ các nước Jamaica, Surinam, Nicaragua, Venezuela, Italy..., chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chống dịch với Peru, El Salvador, San Vicente và Granadinas...

Cuba cũng cử chuyên gia và tài trợ cho Việt Nam hàng nghìn lọ thuốc Interferon Alfa 2B chuyên điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 nặng. Ghi nhận những đóng góp của Cuba, tháng 9/2020, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) đã chính thức đề cử Phái đoàn bác sỹ quốc tế chuyên ứng phó các tình trạng thảm họa và dịch bệnh nguy cấp “Henry Reeve” của Cuba cho giải Nobel Hòa bình 2020.

Trong thư đề cử gửi Ủy ban Nobel Na Uy, WPC nhận định: “Chúng tôi nhận thấy một ví dụ chân thật nhất về tình hữu nghị quốc tế chính là công tác mà phái đoàn y tế “Henry Reeve” của Cuba đã triển khai từ rất lâu trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát."

Có thể nói, với một hệ thống khoa học và công nghệ có uy tín, đồng hành với hệ thống y tế phổ cập toàn diện và chất lượng, cùng nguồn nhân lực chuyên môn cao, Cuba đang kiên cường vượt qua khó khăn để đối phó với đại dịch COVID-19, như cách "hòn đảo tự do" này đã kiên trì con đường phát triển độc lập và nhân văn của mình trong suốt 60 năm qua, bất chấp vòng cương tỏa cấm vận ngặt nghèo của Mỹ cùng những âm mưu chống phá cách mạng. Chính tinh thần kiên cường ấy cũng đã giúp Cuba giành được những thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực.

Mới nhất, các vận động viên Cuba đã giành tổng cộng 15 huy chương (bao gồm 7 huy hương Vàng), xếp thứ 14 toàn đoàn trong Olympic Tokyo 2020 vừa qua.

Đáp lại những chỉ trích mới đây của Mỹ nhằm vào "hòn đảo tự do," các nhà khoa học Cuba đã gửi một bức thư ngỏ, với gần 5.000 chữ ký thu thập được chỉ trong vòng ba ngày, kèm lời nhắn nhủ “một đất nước cứu người không thể là một nhà nước thất bại” và “những mối đe dọa chung mà đại dịch COVID-19 gây ra nên dẫn dắt tới sự hợp tác, thay vì đối đầu. Lịch sử sẽ người phán xét!”. Đó chính là tinh thần, niềm tin và bản lĩnh của Cuba cách mạng.

Theo Vietnamplus