Phó Giáo sư Chu Hoàng Long hiện đang làm việc tại Trường Đại học quốc gia Australia.
Trong lúc cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 23/5 tới, kiều bào tại Australia cũng rất quan tâm tới sự kiện chính trị quan trọng này và kỳ vọng, Quốc hội khóa mới cùng với chính phủ mới sẽ tiếp tục đưa Việt Nam phát triển và đạt được những thành tựu mới.
Sang Australia định cư từ năm 2004 và hiện đang công tác tại Đại học Quốc gia Australia, nhưng mọi diễn biến từ tình hình chính trị, lẫn kinh tế, ngoại giao và đặc biệt là nỗ lực đối phó với dịch Covid-19 của Việt Nam đều được Phó Giáo sư Chu Hoàng Long quan tâm.
Với ông, Việt Nam là nơi chôn rau cắt rốn, là quê hương, nơi bố mẹ và nhiều anh chị em, bạn bè đang sinh sống.
Tự hào về những thành tựu đạt được
Phó Giáo sư Chu Hoàng Long cho biết, 5 năm qua, dưới sự điều hành của chính phủ kiến tạo và hành động với người đứng đầu là chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với sự phối hợp, giám sát của Quốc hội khóa XIV, cũng như tinh thần đoàn kết, ủng hộ của nhân dân, Việt Nam đã trải qua một giai đoạn phát triển và đạt được những thành tựu nổi bật.
Trước hết, phải kể đến thành công trong công tác phòng chống, kiểm soát, và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.
Mặc dù hiện nay số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đang gia tăng, song kể từ năm 2020 đến tháng 4/2021, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách những nước có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong bình quân (trên 1 triệu dân) thấp nhất thế giới.
Thành công của Việt Nam xuất phát từ việc chính phủ đã chủ động hành động sớm và quyết liệt, từ việc sớm đóng cửa biên giới, cách ly người nhiễm bệnh, phong tỏa có trọng điểm, tổ chức xét nghiệm có chiến lược, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, đến công tác truy vết nguồn lây nhiễm và việc truyền tải thông điệp đến người dân.
Với những thành tựu như vậy, Việt Nam được coi là một trong những hình mẫu về phòng, chống dịch; được các tổ chức, nhân dân, các đơn vị truyền thông quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Chu Hoàng Long cho biết, trong 5 năm qua, Việt Nam cũng đã duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam từ 2016 đến 2020 đạt khoảng 5,9%, trong đó trung bình giai đoạn 2016-2019 là 6,8%, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Riêng năm 2020, Việt Nam đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Với tỷ lệ tăng trưởng 2,91%, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Các chỉ số kinh tế - xã hội quan trọng như lạm phát, xuất - nhập khẩu, tiết kiệm - đầu tư, tín dụng, lao động - việc làm, an sinh - xã hội đều được đảm bảo về cơ bản, góp phần duy trì ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Không chỉ vậy, Phó Giáo sư Chu Hoàng Long cho biết, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng ngày càng được củng cố và nâng lên rõ rệt. Các tổ chức quốc tế và các nước lớn như Mỹ, EU, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia đều xem trọng vai trò của Việt Nam đi cùng với việc nâng cấp một số quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư.
Việt Nam đã giành được sự tin tưởng và đánh giá cao sau khi đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế như: tổ chức Hội nghị APEC 2017; tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên 2019; Chủ tịch ASEAN 2020; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021); tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G20 mở rộng; tham dự hội thượng đỉnh thượng đỉnh về khí hậu theo lời mời của Tổng thống Mỹ, cũng như tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế của Liên hợp quốc.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những nước tích cực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực với việc ký kết, thực hiện các hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định có tiêu chuẩn cao với các đối tác quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), và Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP).
Kỳ vọng đối với Quốc hội khóa XV
Phó Giáo sư Chu Hoàng Long khẳng định, sau 35 năm mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới của quá trình phát triển với nhiều mục tiêu tham vọng hơn.
Theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội đặt ra tới năm 2030 cũng như năm 2045, các kết quả sẽ đạt được trong 5 năm tới sẽ đóng vai trò bản lề, quyết định thành công của Việt Nam sau đây 25 năm.
Do đó, Phó Giáo sư Chu Hoàng Long cho rằng, nhiệm vụ của Quốc hội khóa mới cũng như chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ không nhẹ nhàng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều bất ổn khó dự đoán như hiện nay.
Vì thế, theo Phó Giáo sư Chu Hoàng Long, để tiếp nối những thành công đã đạt được của nhiệm kỳ trước và hướng tới những thành quả cao hơn, Quốc hội và chính phủ khóa mới nên ưu tiên vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch, cảnh giác, củng cố các biện pháp phòng dịch, tránh nguy cơ dịch bùng phát và lan rộng khi có ca nhiễm mới trong cộng đồng, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.
Đồng thời, Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy tiến độ tiêm vaccine cho người dân và nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy giao thương và du lịch quốc tế.
Ngoài ra, Phó Giáo sư Chu Hoàng Long cho rằng, chính phủ cũng cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, tận dụng khoa học, công nghệ nhằm phát triển các mô hình kinh doanh mới để chủ động nắm bắt và đón đầu nhu cầu, xu thế, cơ hội phát triển mới của thế giới trong và sau khi đại dịch được khống chế trên toàn cầu.
Thứ hai, Việt Nam cần giải quyết một số tồn tại trong thời gian qua, đặc biệt là các vấn đề an sinh – xã hội và môi trường nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.
Mặc dù Việt Nam đang phát triển với tốc độ tốt với sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, nhưng khoảng cách giàu nghèo có nguy cơ nới rộng, dẫn đến nhiều hệ lụy của xã hội.
Do đó, theo Phó Giáo sư Chu Hoàng Long, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện hiệu quả hơn các chính sách hỗ trợ và giáo dục, đào tạo đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, và nhóm người yếu thế hơn trong xã hội.
Cùng với đó, việc khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19 đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định trật tự xã hội, vực dậy nền kinh tế.
Phó Giáo sư Chu Hoàng Long cho rằng, với năng lực tài khóa hạn chế, chính phủ Việt Nam không thể duy trì chính sách hỗ trợ tài chính dàn trải mà cần có giải pháp căn cơ hơn là định hướng đào tạo, nâng cao kỹ năng, giúp người lao động tiếp cận với những ngành nghề mới, đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả, năng suất lao động trong các ngành cơ bản như nông, lâm, ngư nghiệp.
Ngoài ra, để hướng tới trình độ phát triển cao hơn, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân, Việt Nam cần chú trọng đảm bảo phát triển nhanh đi đôi với phát triển bền vững. Theo đó, cần thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo, hạn chế các hoạt động kinh tế gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, cần tích cực tham gia, thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, làm động lực cho việc nâng cao, thực thi các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường ở trong nước.
Thứ ba, Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò, vị thế và trách nhiệm trên trường quốc tế; nhất quán thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, đa phương, đa dạng hóa; tích cực hội nhập với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, và kiên định giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là lĩnh vực an ninh quốc phòng trên biển.
Australia là một trong những quốc gia có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống với khoảng 300.000 người, chưa kể du học sinh.
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Việt Nam không chỉ trong năm 2021 mà còn còn cả 5 năm tới khi những đại biểu sắp được bầu sẽ đóng góp vào những quyết sách tác động tới sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Vì vậy, kiều bào Việt Nam sống tại Australia kỳ vọng Quốc hội khóa XV sẽ đưa ra nhiều quyết sách giúp Việt Nam ngày càng phát triển và thịnh vượng.
Theo baoquocte