Ông Lương Thanh Nghị cùng các chuyên gia trí thức kiều bào


Tham dự Hội thảo có ông Vũ Quang Minh - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo, đại diện các Bộ, Sở, Ban ngành của thành phố, đại diện của Đại sứ quán Anh, Đan Mạch và hơn 100 các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước.

Trong phát biểu khai mạc, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh đã nhấn mạnh tri thức là thế mạnh của cộng đồng 4,5 triệu kiều bào ta và là sức mạnh, tiềm năng to lớn của đất nước. Với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý, mạng lưới liên kết của mình, đội ngũ chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quý báu và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững cũng như quá trình hội nhập quốc tế hiệu quả của đất nước.

Hội thảo đã nghe 4 bài tham luận và nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi của các đại biểu về hai lĩnh vực Năng lượng sạch và Dữ liệu lớn. Đây là những ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết của các chuyên gia, trí thức kiều bào, các nhà khoa học và đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan trong nước đối với TP Hồ Chí Minh.

Ở chuyên đề “Dữ liệu lớn” (Big data), tiến sĩ Vũ Tường Thụy - Giảng viên Đại học Nottingham cơ sở tại Malaysia, Trưởng khoa Khoa học Kỹ thuật Đại học Hoa Sen  -  đã giới thiệu một số kinh nghiệm phát triển ở Anh và Malaysia. 

TS Vũ Tường Thụy nhận định Việt Nam có một số thuận lợi nhất định trong “cuộc chơi” big data. Thứ nhất, Việt Nam sở hữu một nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức và kỹ năng phù hợp cho việc phát triển công nghệ xử lý và làm chủ việc quản lý và khai thác dữ liệu lớn. Thứ hai, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã có những phát triển, cập nhật với công nghệ mới nhất. Thứ ba, Chính phủ và các ban ngành có sự quan tâm và mong muốn triển khai.

Tuy nhiên, chúng ta còn có những hạn chế và vấn đề tồn đọng, TS Vũ Tường Thụy đã đưa ra một số đề xuất như: Chương trình khung nhất quán cấp nhà nước, cho phép các thành phần cùng phát triển và khai thác, đặc biệt chia sẻ nguồn lực, tránh phân tán và có quản lý; Đẩy mạnh các chương trình đào tạo về khoa học dữ liệu hay mở các kênh đào tạo chuyên nghiệp, chuyển đổi kỹ sư công nghệ thông tin sang tập trung khai thác dữ liệu lớn; Phát triển và triển khai các chuẩn dữ liệu, cho phép chia sẻ dữ liệu một cách nhất quán, đồng bộ việc thu thập và xử lý, tốt nhất cần triển khai các tiêu chuẩn mở; Đồng bộ hệ thống dữ liệu thông tin địa lý nền. Ngày nay, tất cả các thông tin thu thập đều dựa trên vị trí địa lý. Nếu không có 1 cơ sở dữ liệu bản đồ nền thống nhất, chúng ta đánh mất cơ hội để tiết kiệm chi phí và thời gian khi phát triển và khai thác dữ liệu. Đặc biệt, bản đồ nền là tối cần thiết cho các kế hoạch xây dựng thành phố thông minh.

Tại phiên hội thảo chuyên đề về “Năng lượng sạch”, các đại biểu đã đánh giá tình hình sử dụng năng lượng tái tạo hiện nay của thành phố, nghiên cứu kế hoạch của thành phố trong việc tiếp nhận năng lượng sạch phù hợp với xu hướng chung của khu vực và thế giới. 

Anh Trần Duy Châu – Chuyên viên nghiên cứu Tập đoàn điện lực Pháp và nhóm nghiên cứu của Hội điện và Năng lượng Việt Nam tại Pháp, cho biết: TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh miền Nam nói chung được đánh giá là có tiềm năng to lớn về phát triển điện mặt trời với số giờ nắng thuộc loại cao trên thế giới. Với định hướng phát triển thành phố thông minh cùng một nền kinh tế năng động, thành phố chắc chắn sẽ đón nhận làn sóng phát triển điện mặt trời mạnh mẽ, đặc biệt là mô hình điện mặt trời tích hợp tòa nhà và hộ gia đình, kèm theo với những lợi ích mà điện mặt trời mang lại, việc phát triển nhanh chóng các nguồn điện dạng phân tán này sẽ đi kèm nhiều tác động tới môi trường.

Theo anh Trần Duy Châu, Chính quyền TP Hồ Chí Minh cần xây dựng chính sách định hướng phát triển điện mặt trời trong tiêu chí quy hoạch phát triển năng lượng của thành phố, xây dựng các kế hoạch phục vụ phát triển điện mặt trời với tiêu chí sử dụng các nguồn lực tại chỗ và đa dạng hóa các đơn vị, nhà đầu tư tham gia phát triển hệ thống điện mặt trời trong thành phố. 

Nhiều chuyên gia trí thức khác cũng đã chia sẻ, giới thiệu nhiều mô hình, công nghệ hiện đại của các quốc gia trong phát triển năng lượng sạch và xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung trên thế giới, cùng với đó là các đề xuất cụ thể ứng dụng vào Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị nhấn mạnh: Hiện nay, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hoá thạch trên thế giới và Việt Nam đang dần cạn kiệt và việc sử dụng nguồn nguyên liệu này đang tạo ra những sức ép lớn đối với môi trường cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân, đặc biệt với một thành phố hơn 10 triệu dân như TP Hồ Chí Minh thì việc tăng cường ứng dụng năng lượng sạch một cách hiệu quả càng có ý nghĩa quan trọng và cấp bách. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với một trong những công nghệ nền tảng là Dữ liệu lớn cũng đang đòi hỏi chúng ta phải tận dụng mọi nguồn lực để nhanh chóng nắm bắt những cơ hội, đưa TP Hồ Chí Minh và Việt Nam tiến gần hơn với trình độ phát triển khoa học công nghệ của thế giới, nhất là khi TP Hồ Chí Minh có lợi thế là địa phương tập trung nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào và được đào tạo bài bản.

Năng lượng sạch và Dữ liệu lớn là hai vấn đề có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và cả nước nói chung. Hội thảo là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá sâu sắc hơn về tiềm năng, thế mạnh cũng như những vấn đề đang đặt ra cho TP Hồ Chí Minh và cho Việt Nam trong việc ứng dụng Năng lượng sạch và Dữ liệu lớn.

Hội thảo đã thành công với sự tham gia tích cực, tâm huyết của các chuyên gia, trí thức kiều bào. Ông Lương Thanh Nghị mong rằng các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp, chắt lọc các kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo để làm cơ sở tham mưu cho Lãnh đạo Thành phố trong công tác xây dựng chính sách về hai lĩnh vực nói trên