leftcenterrightdel
 Hội nghị phổ biến một số quy định pháp luật về đăng ký thường trú, căn cước công dân cho người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra sáng 29/9, do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức (ảnh: BTC)

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với 5 điểm cầu là Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu; các Hội, đoàn người Việt Nam ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Australia.

Các kiều bào chia sẻ một số khó khăn liên quan đến thủ tục đăng ký thường trú và cấp căn cước công dân, xác nhận nguồn gốc Việt Nam, quốc tịch, hồi hương…, cần được tạo điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, dịch vụ công tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
Kiều bào cho biết còn nhiều vướng mắc khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, đăng ký thường trú (ảnh: BTC) 

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận (người Việt Nam ở Australia): hiện nay việc làm căn cước công dân cho người Việt Nam ở nước ngoài đang gặp khó do không có hộ khẩu thường trú ở Việt Nam. Thời gian tới, khi thẻ căn cước được tích hợp thêm nhiều thông tin, việc thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại đối với những người Việt Nam ở nước ngoài càng gặp khó khăn hơn nữa khi chưa được cấp căn cước. Ông Luận đề nghị Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP thành lập một ban thuộc đơn vị để trở thành đầu mối thông tin cho kiều bào về những thủ tục pháp lý, các chính sách mới và hỗ trợ kiều bào làm căn cước công dân, đăng ký thường trú. 

leftcenterrightdel
Nhiều ý kiến đề xuất cần có thêm đầu mối thông tin, hỗ trợ kiều bào về thủ tục pháp lý, các chính sách mới có liên quan (ảnh: BTC) 

Đồng ý với kiến nghị này của ông Luận, ông Phan Ty, kiều bào Anh cho hay một số kiều bào vì nhiều lý do khi ra nước ngoài đã thay tên đổi họ, nay muốn hồi hương làm hộ chiếu, đăng ký thường trú, làm CCCD... thì thủ tục quá nhiêu khê, đi lại nhiều lần cũng không giải quyết được.

Bà Trương Thị Liên, có chồng là người Việt Nam ở Đức chia sẻ: Tuy sinh sống tại Đức nhưng chồng bà vẫn đang giữ quốc tịch Việt Nam. Để làm được căn cước công dân thì phải đăng ký thường trú, nhưng địa phương yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, trong khi quy định hiện hành đã bỏ sổ hộ khẩu và sổ tạm trú trong mọi thủ tục hành chính.

Tại Hội nghị, đại diện Công an TP.HCM và Sở Tư pháp TP đã cập nhật một số quy định mới nhất về Luật Cư trú xung quanh vấn đề đăng ký thường trú, căn cước công dân, đồng thời giải đáp một số thắc mắc của kiều bào và thân nhân về những vấn đề liên quan.

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), cho biết, từ năm 2021 đến nay, TP.HCM đã giải quyết đăng ký thường trú, tạm trú cho người Việt Nam ở nước ngoài với 1.524 hộ, 4737 nhân khẩu. Số lượng lớn người Việt Nam ở nước ngoài được đăng ký tạm trú, thường trú trên thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tạo thuận lợi cho kiều bào về Việt Nam an cư lạc nghiệp, đóng góp cho TP.HCM.

Theo vov