|
|
Bà Vương Thị Xuân Vy (sinh năm 1933, nguyên quán ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hiện đang sinh sống ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng từng tham gia vận chuyển lương thực trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN) |
Vào những ngày đầu tháng 5 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều hướng tới kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
Trong những ngày này, ký ức hào hùng về cuộc chiến lại ùa về trong mỗi chiến sỹ Điện Biên.
Trải qua 70 năm, những cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ sống tại Đà Nẵng dù đã lớn tuổi, nhưng khoảng thời gian gian khổ, đầy tự hào, kiêu hùng của tuổi trẻ vẫn được khắc ghi trong tâm trí.
Tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm từ tiền tuyến lên chiến trường Điện Biên Phủ vào năm 1954, bà Vương Thị Xuân Vy (sinh năm 1933, nguyên quán ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hiện đang sinh sống ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng bồi hồi kể lại: “Vào lúc tôi 18 tuổi, quân dân cả nước ai cũng sục sôi đánh Pháp. Hưởng ứng lời hiệu triệu toàn dân tham gia vận tải lương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, với mong muốn đi theo cách mạng, tôi đã tham gia Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương, và được phân công vào đội 34. Công việc của tôi lúc đầu là vận chuyển lương thực, thực phẩm từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ.”
Bà Vy kể: “Ngày đó, để vận chuyển lương thực lên đến Điện Biên Phủ, chúng tôi phải vượt qua hàng trăm kilômét đường đèo dốc, vừa đi vừa mở đường do những tuyến đường bị bom đạn chia cắt. Vận chuyển giữa rừng, chúng tôi phải chắt chiu lương thực, nhường nhau từng nắm cơm, đôi lúc bữa cơm được cải thiện bằng rau quả rừng. Mặc dù có bữa đói, bữa no nhưng không ai hiện lên chút mệt nhọc, lo sợ nào. Chúng tôi đều mang trong mình một ý chí sắt thép, đoàn kết và chấp hành mọi mệnh lệnh của cấp trên. Khi lương thực, thực phẩm đến nơi, chúng tôi rất vui sướng, hạnh phúc và luôn có niềm tin quân đội ta sẽ chiến thắng.”
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Vy còn được giao nhiệm vụ tải đạn, đào hào, nhiệm vụ nào bà cũng “tròn vai” góp công sức của mình cho chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau chiến dịch, trở lại thời bình, bà được phân công làm ở những công trình giao thông xây đường, xây cầu, sau đó công tác tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. Sau năm 1975 bà Vy theo chồng, chuyển công tác vào sinh sống tại thành phố Đà Nẵng.
|
|
Ông Nguyễn Văn Y (Sinh năm 1931, quê ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hiện đang sinh sống ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN) |
Cũng từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Y (sinh năm 1931, quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hiện đang sinh sống ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng tự hào nhớ lại: “Tôi nhập ngũ vào năm 18 tuổi. Vào bộ đội không lâu, đơn vị phân công tôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tại trận địa tôi được giao nhiệm vụ đào hào và tham gia chiến đấu. Giữa “mưa bom bão đạn” chúng tôi phải tranh thủ từng phút, từng giây thay nhau đào từng mét vuông hào. Không kể ngày hay đêm, đói khát, chúng tôi luôn vững ý chí quyết tâm chiến thắng. Trong cuộc chiến, tôi phải chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng mỗi chiến sỹ đều không xuất hiện sự sợ hãi nào. Bởi, khi tham gia chiến dịch, chúng tôi đã xác định sẽ hy sinh cho Tổ quốc, vì độc lập, tự do của dân tộc.”
“Tôi may mắn khi chứng kiến đất nước được hòa bình, phát triển, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Để có được như ngày hôm nay, không biết bao nhiêu xương máu của các chiến sỹ, người dân đã đổ xuống để giành lấy từng tấc đất. Do vậy, thế hệ trẻ cần nối tiếp truyền thống cha ông, nỗ lực xây dựng, phát triển đất nước, quê hương giàu đẹp, phồn vinh,” ông Y nói.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng Huỳnh Bá Thành cho biết, hiện thành phố Đà Nẵng có 24 cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn sống.
Các cụ cũng thường xuyên có ý kiến tâm huyết trong các hoạt động của địa phương. Thành phố luôn trân trọng, học tập tấm gương của các chiến sỹ Điện Biên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Đà Nẵng.
Hàng năm, các đoàn thể, đơn vị đều tổ chức thăm hỏi động viên, tri ân, tỏ lòng biết ơn với các chiến sỹ Điện Biên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc./.
Theo vietnamplus