Cô Mai Phương Anh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (P.9, TP.Cà Mau) hỗ trợ tôm tươi cho bếp ăn 0 đồng - ẢNH: GIA BÁCH

Trân trọng từng phần cơm

Tại bếp ăn 0 đồng trên đường 19.5 (P.8, TP.Cà Mau) do Chi đoàn Trường ĐH Bình Dương tại Cà Mau, Chi đoàn Báo Cà Mau và UBND P.8 thành lập, không khí làm việc lúc nào cũng tất bật. Từ mờ sáng, mọi người đã đến sơ chế nguyên liệu, nấu nướng. Đến khoảng 10 giờ, những phần cơm được bỏ vào hộp, sẵn sàng mang đến cho người đang cần.

Bà Nguyễn Thị Thùy Nga (phải) cùng tình nguyện viên chuẩn bị nguyên liệu nấu cơm

Anh Lâm Phú Hữu, thành viên của bếp ăn, cho biết có rất nhiều nhà hảo tâm nhiệt tình đóng góp. Nào là cá rô phi, tôm bắt dưới vuông hay những bó rau nhà trồng… Tính đến nay, bếp ăn 0 đồng này đã hoạt động gần 1 tháng. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng về sau, khi được nhiều người biết đến và ủng hộ thì bếp ăn hoạt động càng hiệu quả. Cũng theo anh Hữu, hằng ngày anh luôn nhắc anh em tình nguyện viên phải lau hộp cho sạch, để thức ăn vào hộp ngay ngắn. “Chúng tôi muốn mỗi suất ăn đến tay người nhận không chỉ đủ dinh dưỡng mà còn chỉn chu. Trân trọng món quà mà mình trao đi cũng chính là trân trọng người nhận”, anh Hữu nói.

Bếp ăn 0 đồng này có khoảng 20 thành viên. Trong thời điểm giãn cách xã hội, mọi người phải chia ca theo nhóm để vừa đảm bảo công việc, vừa đảm bảo phòng dịch. Ông Trịnh Huỳnh An, Phân hiệu phó thường trực Trường ĐH Bình Dương tại Cà Mau, cho biết: “Ban đầu dự định nấu 1 lần/tuần, nhưng sau đó kết hợp thêm các anh em ở Báo Cà Mau và UBND P.8 nên nâng lên 2 lần/tuần. Rồi tiếp đó nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm và bà con nên chúng tôi quyết định nấu xuyên suốt cả tuần, với khoảng 250 phần cơm/ngày”.

Hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch

Ngoài ra, trên địa bàn còn có một bếp ăn 0 đồng đã hoạt động từ lâu, người khởi xướng là bà Nguyễn Thị Thùy Nga (ngụ P.8, TP.Cà Mau). Bà Nga kể về cái duyên làm từ thiện của mình: “Năm 2014, hay tin có người cho mượn căn nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu để tổ chức bếp ăn 0 đồng cho người nghèo, tôi rủ thêm 2 người bạn đến liên hệ mượn và bắt tay vào làm. Thời gian sau, do bận việc gia đình nên 2 người bạn nghỉ, một mình tôi lo liệu cho bếp tới nay”.

Để có nguồn nguyên liệu, những ngày đầu bà Nga đi liên hệ trực tiếp các nhà hảo tâm xin hỗ trợ gạo, rau củ và các nhu yếu phẩm khác. Trung bình mỗi ngày bếp của bà Nga nấu hơn 500 suất cơm mang tặng những bệnh nhân nghèo đang điều trị ở các bệnh viện trên địa bàn TP.Cà Mau. Thời gian này, bếp của bà chủ yếu hỗ trợ người nghèo khó, bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (58 tuổi, tạm trú P.8, TP.Cà Mau) kể: “Tôi sống một mình, ở nhà trọ, làm nghề kéo xe ba gác chở hàng thuê. Do dịch bệnh, phải giãn cách xã hội nên không làm gì ra tiền. May mắn có những suất cơm hằng ngày của bà Nga giúp tôi sống được thời gian qua”.

Bà Võ Thị Lùng (86 tuổi, ở trọ tại P.8, TP.Cà Mau, làm nghề vớt ve chai) nhận phần cơm của bếp ăn 0 đồng

Để có được hàng trăm suất cơm mỗi ngày, 7 người trong nhóm của bà Nga gần như hoạt động hết công suất. 5 nồi cơm, 3 chảo kho và 3 chảo canh cỡ lớn do bà đảm nhiệm luôn đỏ lửa từ 4 giờ sáng để kịp cho hàng chục tình nguyện viên mang đi phát vào lúc 10 giờ. “Mỗi lần nghĩ đến những người đang cần mình giúp đỡ, tôi càng có thêm sức mạnh để bước tiếp”, bà Nga chia sẻ.

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND P.8, TP.Cà Mau, nói: “Trước ý nghĩa thiết thực của bếp ăn 0 đồng, nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ tiền, thực phẩm để duy trì. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, hỗ trợ phần nào cho nhiều người dân gặp khó khăn trong thời điểm dịch bệnh”.

Theo thanhnien