Có một thực tế là tuổi thọ của con người ngày càng tăng cao, giúp kéo dài thời gian sống của chúng ta sau khi nghỉ hưu. Đồng thời chi phí sinh hoạt và các chi phí dành cho y tế cũng ngày một tốn kém hơn. Chính vì thế nhiều người bắt đầu lo lắng về cuộc sống sau khi nghỉ hưu của họ, liệu rằng tài chính có được đảm bảo hay không?

Patricia Wenzel, một cố vấn tài chính cấp cao của Ngân hàng Mỹ cho biết: “Một cuộc nghỉ hưu thành công là bạn phải có kế hoạch cụ thể, đảm bảo rằng kế hoạch ấy đã tính đến cả tỷ lệ lạm phát và chi phí chăm sóc sức khỏe có thể phát sinh".

Vậy thì làm thế nào để cuộc sống về hưu của bạn không cần phải lo lắng về tài chính? Ngay từ bây giờ hãy thực hiện 5 bước sau đây, chắc chắn bạn sẽ có một cuộc sống “rủng rỉnh” tiền bạc sau khi rời bỏ công việc.

1. Bắt đầu lập kế hoạch ngay từ bây giờ

Không bao giờ là sớm để bắt đầu lập kế hoạch cho việc nghỉ hưu. Bởi vì bạn không thể biết được mình sẽ sống bao lâu hoặc sức khỏe ra sao trong tương lai, do đó lập kế hoạch càng sớm càng tốt luôn là một quyết định khôn ngoan.

"Nhiều người thậm chí đợi đến khi họ gần nghỉ hưu mới bắt đầu lên kế hoạch cho việc nghỉ hưu của mình. Bạn nên bắt đầu điều đó từ vài chục năm trước mới là cách làm đúng", Wenzel nói.

Hãy xác định xem bạn dự định nghỉ hưu ở độ tuổi nào, chi phí ước tính cho việc nghỉ hưu là bao nhiêu và số tiền đã tiết kiệm được hiện tại.

Wenzel cũng đề nghị bạn đánh giá cả khoản lương hưu của nhà nước, xác định xem khoản thu nhập ấy sẽ đóng góp ra sao cho cuộc sống nghỉ hưu của bạn.

Tuy nhiên, trong tương lai các chính sách an sinh xã hội của nhà nước có thể thay đổi, đến thời điểm bạn nhận lương hưu thì con số sẽ không còn như hiện tại nữa. Bạn hãy nhớ cân nhắc đến điều đó nữa nhé.

2. Tiết kiệm nhiều nhất có thể

Bắt đầu tiết kiệm càng sớm càng tốt thì quỹ hưu trí của bạn càng phong phú. Cho dù thu nhập của bạn không quá lý tưởng thì tiết kiệm số tiền nhỏ từ sớm và đều đặn cũng có thể mang lại kết quả tuyệt vời. Càng tiết kiệm muộn, áp lực càng lớn và bạn khó đạt được mục tiêu.

Hầu hết các chuyên gia tài chính đều khuyên rằng bạn nên tiết kiệm từ 10% đến 15% tổng lương hàng tháng cho quỹ nghỉ hưu. Ngoài ra nếu có bất kỳ khoản thu nhập thêm nào như tiền thưởng công việc, lương tăng thêm, bạn cũng nên dành chúng cho tài khoản tiết kiệm. Tinh thần chung chính là bạn hãy tiết kiệm bất cứ thứ gì có thể.

Keith Bernhardt, phó chủ tịch của quỹ đầu tư hưu trí Fidelity Investments cho biết: "Bất kể thu nhập là bao nhiêu và mức tiết kiệm của bạn ra sao, có một kế hoạch mang tính thực tế sẽ giúp bạn duy trì sự an toàn tài chính trong tất cả các giai đoạn nghỉ hưu".

3. Đầu tư số tiền bạn tiết kiệm được

Ai cũng biết đầu tư là một cách khôn ngoan và hiệu quả để tài khoản của bạn dày lên. Vậy nhưng đầu tư luôn tiềm ẩn nguy hiểm, có thể làm bạn mất sạch tiền nếu đưa ra quyết định sai lầm.

Bạn thấy rằng gửi tiền vào ngân hàng lãi suất quá thấp, còn đầu tư cổ phiếu lại chứa đựng rủi ro đáng sợ? Vậy thì dưới đây là vài kênh đầu tư vừa đem lại mức lãi suất khá tốt mà vẫn tương đối an toàn, cách thức tiến hành lại đơn giản.

Trái phiếu

Khác với cổ phiếu, trái phiếu là một kênh đầu tư an toàn. Hiện tại trái phiếu có hai loại phổ biến là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành và trái phiếu do chính phủ phát hành.

Dù là loại trái phiếu nào thì bạn sẽ luôn được hưởng mức lãi suất cam kết ngay từ đầu mà không chịu ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh của công ty. Mức lãi suất từ trái phiếu luôn cao hơn mức lãi suất khi gửi tiền ngân hàng.

Đầu tư vào các quỹ đầu tư

Đây là một kênh đầu tư đã phổ biến từ rất lâu ở các nước phát triển. Khi bạn muốn đầu tư nhưng không có nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu thị trường vì còn bận rộn với công việc hành chính, bạn có thể cân nhắc đầu tư vào các quỹ đầu tư.

Các quỹ đầu tư này huy động tiền từ các nhà đầu tư, sau đó đội ngũ chuyên gia tài chính của họ sẽ đưa ra các phương án tối ưu để đầu tư và mang lại lợi nhuận cho bạn. Hiện nay có một số quỹ đầu tư lớn như Techcom Securities, công ty quản lý quỹ Vietcombank…

Mua vàng dự trữ dài hạn

Đây là một kênh đầu tư truyền thống nhưng chưa bao giờ lỗi thời. Trong thời gian ngắn, giá vàng có thể không có sự biến động lớn nhưng chắc chắn trong thời gian dài nó sẽ mang lại hiệu quả khá tốt.

Nếu bạn đầu tư vàng bằng tiền tiết kiệm nhàn rỗi thì bạn yên tâm rằng mình sẽ không bao giờ bị lỗ.

Đầu tư bất động sản

Bạn có thể sử dụng số tiền tiết kiệm nhàn rỗi của mình để mua bất động sản phù hợp. Nếu không đủ kinh phí, hãy mua chung với bạn bè, người thân trong gia đình. Trong dài hạn, chắc chắn kênh đầu tư này sẽ mang lại cho bạn lợi nhuận.

Mua gói bảo hiểm thiên về đầu tư

Mọi người thường nghĩ rằng bảo hiểm là để tích lũy và bảo vệ sức khỏe, hạn chế tổn thất khi rủi ro xảy ra. Tuy nhiên có một số gói bảo hiểm cũng có thể mang lại lợi nhuận cho bạn. Hãy tìm hiểu và mua gói bảo hiểm thiên về đầu tư hơn là bảo vệ sức khỏe để nó giúp bạn sinh lời.

4. Tạo thói quen chi tiêu tốt

Chi tiêu tiết kiệm và hợp lý sẽ làm tăng nhanh số tiền tích lũy của bạn. Một cách làm đơn giản và luôn đúng, đó là dành thời gian lập ngân sách và cố gắng tuân theo những gì mình đặt ra.

Bên cạnh việc tiết kiệm chi tiêu thì bạn cũng cần phải có quỹ khẩn cấp, dành cho những trường hợp khó lường trước như bệnh tật hoặc chẳng may mất việc làm. Các chuyên gia đều khuyến nghị mỗi người nên tiết kiệm ít nhất 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt cho quỹ khẩn cấp.

Wenzel lưu ý rằng thói quen của một người rất khó thay đổi. Nếu ngay từ bây giờ bạn không tạo cho mình các thói quen tài chính tốt, vậy thì sau khi nghỉ hưu rất có thể bạn sẽ không thể quản lý được tiền bạc của mình, cuộc sống về hưu dễ lâm vào khủng hoảng.

Việc tạo những thói quen chi tiêu tốt ngay từ bây giờ vừa giúp bạn tiết kiệm hiệu quả để nghỉ hưu, đồng thời rất hữu ích cho cuộc sống hưu trí sau này.

5. Xóa mọi khoản nợ trước khi nghỉ hưu

Việc mang theo một khoản nợ đáng kể khi đã nghỉ hưu sẽ ăn mòn số tiền tiết kiệm khó khăn mới có được của bạn. Một số khoản nợ thậm chí còn đi kèm với lãi suất khá cao.

Hãy cố gắng xóa nợ trước khi bạn nghỉ hưu. Ngay từ bây giờ, nếu bạn đang mắc nợ, hãy lên một chiến lược bài bản để thanh toán xong nợ nần. Thoát khỏi cảnh mắc nợ càng sớm càng tốt, bạn sẽ càng có nhiều tiền mặt hơn dành cho việc tiết kiệm.

An Du