leftcenterrightdel
Giới thiệu sản phẩm quần áo của Việt Nam ở Hội chợ dệt may Nam Á 2022 tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: Nguyễn Huy 

Chinh phục thị trường “khó tính”

Ngày 30-6-2022, Tập đoàn Tân Long đã xuất khẩu lô hàng gạo ST25 mang thương hiệu A An vào Nhật Bản sau khi vượt qua quy trình kiểm nghiệm khắt khe với hơn 450 chỉ tiêu. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo nội địa xuất khẩu thành công vào thị trường “khó tính” như Nhật Bản. Còn với ngành cà phê, ngay thời điểm Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam có hiệu lực, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu 14 container, tương đương 296 tấn cà phê, tới Bỉ và Đức. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam có nông trại cà phê đạt chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam liên tục tăng trưởng cao. Đặc biệt năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này đồng nghĩa có thêm nhiều thương hiệu hàng Việt Nam góp mặt tại các thị trường.

Tham tán thương vụ Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường thông tin, hiện 36 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ ở Anh, qua đó giúp những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này và ngày càng nhiều người Anh, doanh nghiệp Anh biết đến sản phẩm Việt Nam.

Tương tự, tại thị trường Liên minh châu Âu, Việt Nam có 39 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Pháp Vũ Anh Sơn đánh giá, các nhà nhập khẩu quốc tế quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam và tăng nhập khẩu hàng Việt. Lượng hàng Việt xuất khẩu đến Pháp tăng trưởng ấn tượng, dự kiến đến hết năm 2022 sẽ lần đầu tiên đạt mốc trên 6 tỷ euro.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, việc xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững tại thị trường xuất khẩu mà còn lan tỏa thương hiệu, sản phẩm Việt Nam tới các thị trường tiềm năng trên thế giới.

Xây dựng niềm tin với khách hàng

Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu có bước tiến mạnh mẽ về quy mô và tốc độ, song số lượng hàng hóa xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam được đánh giá còn khiêm tốn so với tiềm năng. Dù thị phần xuất khẩu gạo, cà phê, dệt may… của Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới, song nhiều sản phẩm được nhập khẩu dưới tên một quốc gia khác hoặc nhãn hiệu không phải của Việt Nam. Theo Trưởng bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam Đào Thu Trang, nhiều người Đức không hề biết Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, trong khi những gói cà phê họ sử dụng hằng ngày được dùng nguyên liệu xuất thô từ Việt Nam.

Nguyên nhân của thực trạng này là do doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm, năng lực chế biến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của không ít doanh nghiệp còn hạn chế.

Để xây dựng được thương hiệu tại thị trường xuất khẩu, theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Thu Thủy, doanh nghiệp cần có những bước đi bài bản, chiến lược khôn ngoan. Điều vô cùng quan trọng là phải phát triển được sản phẩm phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của từng thị trường, đồng thời mang bản sắc của Việt Nam.

Chia sẻ về thị trường Đức, bà Đào Thu Trang thông tin: “Người Đức rất kỹ tính nhưng cũng rất trung thành với các sản phẩm có thương hiệu. Họ luôn có nhu cầu tìm hiểu sản phẩm được sản xuất ở đâu, có thực sự an toàn và thân thiện với môi trường không... Doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu này sẽ chinh phục được họ”.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, để xây dựng thương hiệu hàng Việt tại các thị trường xuất khẩu, Cục đã hỗ trợ nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp thông qua hàng loạt các chương trình, hội nghị, hội thảo, đào tạo và tập huấn. Bên cạnh đó, Cục triển khai xây dựng và phát triển các phòng trưng bày hàng hóa cho doanh nghiệp tại trụ sở của nhiều thương vụ Việt Nam, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp thông qua các nền tảng mạng xã hội, kênh truyền thông.

Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, cộng đồng người Việt ở nước ngoài chính là cầu nối đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam ra toàn thế giới. Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nhân Việt Nam tại châu Âu Hoàng Mạnh Huê cho rằng, hơn 5 triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài là nguồn lực lớn để quảng bá, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập tới các thị trường nước ngoài.

Theo hanoimoi