Thứ trưởng Vũ Hồng Nam tặng hoa đại diện học viên các nước tham dự Khóa tập huấn

Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ là sức mạnh, là tài sản “vô hình” của mỗi quốc gia, cộng đồng. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời, vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn đề cao và đặc biệt quan tâm việc giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Điều đó đã được thể hiện rõ trong nhiều chủ trương chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đối với bà con kiều bào, việc giữ gìn bản sắc và truyền thống dân tộc, nhất là tiếng Việt luôn mang một ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vì đây là động lực, sợi dây gắn kết trong cộng đồng cũng như với quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, cộng đồng cũng đang đứng trước nguy cơ mai một ngôn ngữ của dân tộc, nhất là ở thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Bên cạnh đó, sự bất cập về phương pháp sư phạm, giáo trình... của các chương trình dạy tiếng Việt trong cộng đồng cũng là những thách thức không nhỏ đối với đội ngũ những người tham gia giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức đặt ra đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc duy trì tiếng Việt, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài với mục đích nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang dạy tiếng Việt tại các cơ sở tiếng Việt của cộng đồng.

Phát biểu tại buổi lễ Khai mạc Khóa tập huấn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam cho biết: "Khóa tập huấn trở thành hoạt động thường niên được tiến hành từ năm 2013. Trải qua 5 năm tổ chức, số lượng học viên tham dự lớp tập huấn ngày càng tăng, điều đó cho thấy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng ngày càng phát triển và phản ánh nhu cầu đào tạo nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy của các giáo viên kiều bào ngày càng tăng. Tại một số nước, khu vực phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt phát triển rất mạnh như ở Thái Lan, Đài Loan… Đây cũng là một điều rất đáng mừng”.

Qua lớp tập huấn này, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cũng mong muốn các thầy cô giáo cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm hay để tiếp tục lan tỏa tình yêu tiếng Việt, quê hương, đất nước tới bà con cộng đồng người Việt nhất là thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế.

Bà Vũ Thị Hải Hà học viên tham dự Khóa tập huấn trở về từ Thụy Sỹ chia sẻ: “Tôi đến được lớp tập huấn này từ người đồng nghiệp, cô ấy đã từng tham gia từ những năm trước và thấy rất bổ ích cho công việc chúng tôi đang làm- là giảng dạy tiếng Việt. Ở nơi tôi đang sống, cộng đồng người Việt không nhiều nhưng mong muốn việc duy trì văn hóa dân tộc trong đó có việc học tiếng Việt cho thế hệ trẻ là nỗi niềm mong mỏi của nhiều gia đình. Tôi cũng hy vọng qua lớp học lần này sẽ học tập kinh nghiệm từ thầy cô và các bạn đồng nghiệp ở các nước để khi trở về Thụy Sỹ sẽ cùng đồng nghiệp mở lớp dạy tiếng Việt quy củ hơn, thu hút nhiều người tham dự”.

Cũng cùng mong mỏi như cô giáo Vũ Thị Hải Hà, cô Hà Kim Chi trở về từ Italia từng tham gia giảng dạy tiếng Việt tại trường Đại học ở Italia chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn được mở lớp dạy tiếng Việt như các bạn đồng nghiệp ở các nước để văn hóa Việt mình được phát triển, thế hệ trẻ không quên nguồn cội. Ở nơi chúng tôi đang sống có Viện nghiên cứu Việt Nam học, có thư viện sách về Việt Nam, đây là một trong những điều rất thuận lợi nhưng tiếc rằng chúng tôi chưa mở được lớp dạy tiếng Việt. Thông qua khóa tập huấn này, tôi cũng mong mỏi học tập kinh nghiệm để mở được lớp tiếng Việt, thu hút mọi người đến với lớp học, đặc biệt thế hệ trẻ người Việt và bạn bè Italia quan tâm văn hóa và ngôn ngữ Việt”.

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài diễn ra từ 13-27/8, các học viên tham gia tập huấn sẽ được các giảng viên, các chuyên gia ngôn ngữ của Đại học quốc gia Hà Nội trực tiếp lên lớp, được dự giờ ở trường học để kiến tập về phương pháp giảng dạy, các học viên có cơ hội tham quan một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa ở Hà Nội và một số tỉnh thành để hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.

                                                                       Theo Quehuongonline