Đoàn Việt Nam vui mừng khi Langbiang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại phiên họp ngày 9/6 tại trụ sở UNESCO, Paris. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên hùng vĩ và là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 tại Việt Nam.

Đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S cùng ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại-Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, dẫn đầu tham dự Kỳ họp ICC MAB lần thứ 27 tại trụ sở UNESCO, Paris.

Trao đổi với phóng viên TTXVN,Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S bày tỏ niềm vui và tự hào về việc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang được UNESCO công nhận sẽ góp phần quảng bá cho Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo ông, đây cũng là một thách thức đòi hỏi tỉnh phải tập trung xây dựng và tổ chức với phương châm gắn bảo tồn với phát triển, nhằm duy trì các chức năng của một Khu dự trữ sinh quyển mang tầm thế giới.

Về phần mình,Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam Phạm Sanh Châu nêu rõ đây là sự ghi nhận những đóng góp tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đối với bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vì Mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hiệp quốc khởi xướng.

Các cơ quan chức năng cũng đã có kế hoạch cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị về đa dạng sinh học đối với Khu dự trữ sinh quyển Langbiang, như thành lập Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển, kèm theo là một kế hoạch quản lý theo hướng tiếp cận đa ngành cùng một dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Nhật Bản.

Ngoài ra,Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang sẽ kết nối với mạng lưới khu dự trữ sinh quyển trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học của mình.

Theo TTXVN/Vietnamplus