Nhiều startup Đông Nam Á sa thải nhân viên, giảm ngân sách marketing để tồn tại. Ảnh: Nikkei.
Theo Nikkei Asian Review, startup thanh toán điện tử Fomo Pay từng dự báo năm 2020 sẽ tăng trưởng mạnh khi ngành công nghệ tài chính Đông Nam Á bùng nổ với số lượng người dùng chi tiêu qua ví điện tử vọt. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng lên từ Trung Quốc rồi lan rộng khắp thế giới, các nền kinh tế đóng băng, tiêu dùng lao dốc.
Số lượng giao dịch thanh toán điện tử qua Fomo giảm hơn 50% trong tháng 2. Công ty đã phải cắt giảm nhiều lao động bán thời gian và hoãn kế hoạch mở rộng sang Malaysia và Myanmar sang quý III hoặc lâu hơn.
“Các biện pháp này chúng tôi cắt giảm 10-20% chi phí”, Zack Yang, người đồng sáng lập Fomo, cho biết. “Tình hình hiện tại rất tồi tệ, thị trường tài chính hoàn toàn không có dấu hiệu lạc quan nào”.
Cắt giảm chi tiêu càng nhanh càng tốt
Năm 2019, vốn rót vào các startup trong khu vực Đông Nam Á từ các nhà đầu tư đạt 9,5 tỷ USD, giảm 30% so với năm trước, theo DealStreetAsia. Các nhà đầu tư ngày càng trở nên thận trọng hơn sau những cú phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) gây thất vọng của các startup đình đám tại Mỹ, điển hình là Uber Technologies.
Ngoài việc các nhà đầu thận trọng, đại dịch Covid-19 giáng cú đòn nặng vào nền kinh tế toàn cầu và các thị trường vốn trong quý I. Do đó, các startup càng khó huy động vốn. "Hãy ngừng chờ đợi và cắt giảm chi tiêu càng nhanh càng tốt", chuyên giaGV Ravishankar thuộc Sequoia Capital India khuyên các startup.
Fomo cũng đã phải cắt giảm lương 20-50%. Đây là một trong số các công ty khởi nghiệp trẻ, mới nổi tại Đông Nam Á đang gặp nhiều khó khăn trong dịch Covid-19.
Yang và nhiều nhà sáng lập khác tìm sự hỗ trợ trong cộng đồng khởi nghiệp có tên “SEA Founders” gồm hơn 30 doanh nhân từ Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Với hơn 600 triệu dân, Đông Nam Á là mảnh đất màu mỡ cho các startup và nhà đầu tư mạo hiểm. Ảnh: Bangkok Post.
Giden Lim, CEO của startup giao hoa BloomThis, có trụ sở tại Malaysia và cũng là một thành viên của SEA Founders, cho biết công ty này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh hạn chế di chuyển, cấm tụ tập đông người và hạn chế xuất/nhập cảnh.
“Doanh thu của chúng tôi giảm tới 90% và không chắc tình trạng này sẽ còn kéo dài tới khi nào”, doanh nhân Lim cho biết. “Và sau khi các lệnh hạn chế được gỡ bỏ, mọi việc cũng khó trở lại như trước. Áp lực tài chính là rất lớn”.
BloomThis buộc phải cắt toàn bộ chi phí marketing, yêu cầu các chủ mặt bằng giúp đỡ, xin hỗ trợ từ các ngân hàng và cân nhắc giảm lương. “Chúng tôi phải xác định rằng có thể mất tới 12 tháng hoặc lâu hơn để phục hồi. Cắt giảm chi phí và tìm kiếm cơ hội mới là vô cùng quan trọng để tồn tại qua cuộc khủng hoảng này”, doanh nhân Lim nhận định.
Nhà giàu cũng gặp khó
Trong nhóm SEA Founders, hơn 70% cho biết hụt doanh thu là thách thức lớn nhất. Khoảng 62% cho rằng cần phải giảm chi tiêu ngay lập tức. Trước đây, các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á thường chi tiêu vô tội vạ để mở rộng và giành thị phần.
Thậm chí, những startup có nguồn tiền dồi dào qua những đợt gọi vốn trước đây cũng không miễn dịch với khủng hoảng. Caecilia Chu, CEO của startup ví điện tử đa tiền tệ Singapore YouTrip, cho biết công ty này giảm lương của đội ngũ quản lý cấp cao và cắt 50% ngân sách cho marketing, dù trước đó huy động được 30 triệu USD vốn đầu tư.
Tương tự, startup du lịch trực tuyến "kỳ lân" Traveloka sa thải 100 nhân viên, tương đương 10% tổng nhân sự. Hồi tháng 2, công ty này phải hoàn số tiền khổng lồ cho khách hàng khi ngành du lịch khu vực chết đứng vì dịch Covid-19.
Các biện pháp hạn chế đi lại hiện tại nhằm kiểm soát dịch bệnh cũng là rào cản đối với các startup đang muốn huy động vốn. Ông Hyuk-Tae Kwon, CEO của hãng đầu tư mạo hiểm Pine Venture Partners có trụ sở tại Singapore, cho biết ông sẽ tập trung vào các thương vụ đã cam kết trong thời gian chờ dịch bệnh qua đi.
Khủng hoảng Covid-19 là cơ hội để các startup chứng minh sức bền với các nhà đầu tư tương lai. Ảnh: Nikkei.
“Hiện tôi không chủ động tìm kiếm các thương vụ đầu tư mới nữa bởi rất khó tổ chức các cuộc họp trực tiếp”, doanh nhân Kwon cho biết. “Đầu tư mạo hiểm là ngành có độ tương tác cao, bạn không thể chỉ nhìn vào các bảng biểu và giấy tờ”.
Theo ông Jixun Foo thuộc hãng đầu tư mạo hiểm GGV Capital của Trung Quốc, giới startup có thể trông đợi vào những biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ nhiều nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này cần cố gắng tối ưu hóa vận hành, đồng thời cố giữ chân các nhân viên có năng lực.
“Hãy nhìn vào nội bộ để quản lý tài chính công ty tốt hơn và củng cố một số hoạt động. Bằng cách này, startup sẽ chứng minh được sức mạnh với các nhà đầu tư tương lai. Bởi khả năng ứng phó với khủng hoảng là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà các nhà đầu tư tìm kiếm”, ông Foo khẳng định.
Theo zingnews