Gần đây, một loạt các vụ tự sát liên quan đến lao động nhập cư ở Singapore đã làm gia tăng mối lo ngại về sức khỏe tâm thần của hàng ngàn công nhân, những người có mức lương thấp, bị cô lập trong ký túc xá vì COVID-19.

Nguy cơ  về sức khỏe

Vào tháng Tư, Singapore đã phong tỏa các khu nhà ở đông đúc của người lao động nhập cư nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19. Bốn tháng sau, một số ký túc xá vẫn trong quá trình kiểm dịch, và ngay cả những người lao động đã âm tính với vi-rút cũng bị hạn chế di chuyển. Họ phải đối mặt với sự không chắc chắn về công việc, vốn là nguồn sống chính cho gia đình của họ ở quê nhà.


                                                                                        Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe tại chỗ cho công nhân nước ngoài ở ký túc xá Avery Lodge


Một trong những ổ dịch lớn nhất tại Singapore là ký túc xá S11, tập trung khá nhiều lao động nhập cư từ Nam Á. Nơi đây ghi nhận trường hợp đầu tiên vào tháng Ba và trường hợp mới nhất liên kết với cụm này vừa xuất hiện vào ngày 7/8. Tổng số trường hợp mắc Covid-19 tại đây lên đến 2.846.

Lúc đầu, Bộ trưởng Nhân lực Josephine Teo cam kết thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của “mọi người, không chỉ công dân Singapore, mà cả những người lao động nước ngoài đang ở đây, giúp đỡ nền kinh tế và những người sử dụng lao động”. Ông nói thêm: “Chúng tôi muốn cung cấp cho người lao động nước ngoài sự đảm bảo rằng các biện pháp này được thực hiện vì lợi ích và hạnh phúc của họ".

Thế nhưng điều kiện sống trong ký túc xá trở thành một chủ đề bàn tán sôi nổi, khi số ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh. Vào ngày 8/4, đã có 118 trường hợp dương tính tại ký túc xá S11. Khoảng một tuần sau, số ca nhiễm của cụm vượt quá 1.000. Công nhân nhập cư đang ở trong ký túc xá được lệnh ngừng làm việc. Khoảng 10.000 công nhân được chuyển khỏi ký túc xá và ở riêng. 

Phải đến gần đây, với năng lực kiểm tra của quốc gia ngày càng tăng, việc cách ly lao động nhập cư trong các ký túc xá, siết chặt lao động trong lĩnh vực xây dựng, và tăng cường giãn cách, số ca nhiễm mới bắt đầu giảm dần.

Gánh nặng tâm lý

Các nhóm nhân quyền và quan chức y tế nói rằng, đại dịch gây ra thiệt hại nặng nề cho người lao động. Vào ngày 24/7, một công nhân Ấn Độ 37 tuổi thiệt mạng tại số 512 đường Old Choa Chu Kang. Theo cảnh sát, đây là một trường hợp "chết bất thường" và các cuộc điều tra đang được tiến hành. Vào tháng Năm, một công nhân nhập cư 27 tuổi từ Bangladesh nằm bất động tại một ký túc xá ở Kranji. Vài tuần trước đó, một người đàn ông 46 tuổi, quốc tịch Ấn Độ tử vong sau khi được tìm thấy ở khu cầu thang bộ Bệnh viện Khoo Teck Puat.

Trong một số trường hợp, những người di cư được cho là “bất ổn về tâm thần” sau khi các video đăng trên mạng xã hội cho thấy họ đứng trên mái nhà, hay bước đi trên gờ cửa sổ ở tầng cao. Một trong những video, đăng khoảng ngày 22/7, cho thấy một công nhân đứng trên gờ tường tại ký túc xá PPT Lodge 1B ở Seletar. Anh này có kết quả âm tính với COVID-19, đã tự mua vé máy bay về nhà nhưng trở nên kích động khi chủ doanh nghiệp “không tạo điều kiện” để anh nghỉ việc. Sau khi nhận được sự chú ý từ dư luận, người công nhân được phép rời Singapore ngay ngày hôm sau. Mới đây nhất vào hôm 2/8, hình ảnh lan truyền trên mạng tiếp tục cho thấy một người đàn ông nhập cư bê bết máu nằm tại ký túc xá của mình ở Sungei Kadut.

Ông Xu Ping - giám đốc điều hành công ty xây dựng Chian Teck - tiết lộ kể từ khi các ký túc xá của công ty bị cô lập, ban lãnh đạo đã bắt đầu lên kế hoạch cho các hoạt động thúc đẩy tinh thần công nhân. Trong đó bao gồm các trò chơi hằng tuần với những giải thưởng nhỏ, gửi thuốc bổ đến ký túc xá để “tăng cường hệ thống miễn dịch” của công nhân và thậm chí để các kỹ sư của công ty trở thành giáo viên tiếng Anh cho người lao động qua các lớp học ảo. Dù vậy, ông Ping thừa nhận,"nếu giả sử có cơ hội cho người lao động về nhà, 30% sẽ rời đi mà không cần suy nghĩ". 

Theo  phunuonline.com.vn