Hệ thống Giấy phép Việc làm được cho là giải pháp đôi bên cùng có lợi với nhà tuyển dụng Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công và cả người lao động châu Á đang tìm kiếm công việc được trả lương cao hơn ở nước ngoài.
Tuy nhiên, hệ thống có hơn 16 năm tuổi này đã bị chỉ trích vì khiến lao động nhập cư dễ bị lạm dụng và thậm chí bóc lột "như nô lệ" bởi người sử dụng lao động.
Một trong những bất cập của hệ thống là cấm người lao động nước ngoài thay đổi nơi làm việc đã đăng ký từ trước. Điều này buộc nhiều người phải trốn ra ngoài làm việc để thoát khỏi những ông chủ bóc lột.
Lao động nhập cư bị ràng buộc với người sử dụng lao động bởi thị thực và hợp đồng. Ảnh: Getty.
"Nô lệ thời hiện đại"
Một ngư dân nhập cư từ Timor-Leste, người muốn được gọi là Lopes M., đã phải chịu đựng những điều kiện làm việc tồi tệ trên một hòn đảo nhỏ ở Hàn Quốc trong nhiều năm.
"Vào mùa cá cơm, tôi thậm chí đi biển hai lần một ngày, vừa phải phơi cá, vừa trông nom lưới đánh cá, làm khoảng 15-20 tiếng một ngày. Nhưng điều đó cũng không thể đảm bảo tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn", Lopes M. nói bằng tiếng Hàn trôi chảy trong cuộc họp báo ở Seoul hôm 18/10.
Lopes M. gần như bị nhốt và cô lập trên đảo Gaeyado, ngoài khơi bờ biển Gunsan, vì không được rời đi nếu ông chủ không cho phép.
Anh cũng nhiều lần bị chủ điều động đến những nơi làm việc khác, vi phạm hợp đồng lao động trước đó. Người này kiếm được khoảng 2 triệu won (1.765 USD) mỗi tháng. Tuy nhiên Lopes M. chỉ mới biết số tiền này gần đây vì anh đã bị chủ giữ sổ ngân hàng.
"Khi câu cá trên thuyền, không có bữa ăn nào được cung cấp mà chỉ có bánh mì và bánh ngọt", anh nói.
Người lao động nhập cư tham gia một cuộc họp báo về điều kiện làm việc ở trung tâm Seoul hôm 18/10. Ảnh: Yonhap.
Lopes M. đến Hàn Quốc lần đầu tiên vào tháng 7/2014 và làm việc cho ông chủ của mình tại Gaeyado trong 4 năm 10 tháng.
Anh nhận được giấy phép lao động thứ hai vào năm 2019, có giá trị trong 4 năm 10 tháng nữa, với điều kiện chỉ làm việc cho một chủ lao động.
Lopes M. đã trốn thoát khỏi hòn đảo vào tháng 9 năm nay.
Nhiều lao động nhập cư khác cũng gặp khó khăn tương tự Lopes M.. Vào tháng 7, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc kiểm tra điều kiện làm việc của 63 thuyền viên đánh cá di cư trên các hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía Tây và nhận thấy họ làm việc trung bình 12 giờ/ngày.
Khoảng 90% công nhân cho biết họ không có ngày nghỉ chính thức nào trong năm. Thu nhập trung bình hàng tháng của họ là khoảng 1,87 triệu won (1.650 USD).
Có 6 trường hợp lao động nhập cư bị tịch thu hộ chiếu và 23 trường hợp bị lấy đi sổ ngân hàng.
Bị tống tiền, hành hung
Một công dân Việt Nam, tự xưng là An, bắt đầu làm việc tại Hàn Quốc vào tháng 6/2019. Anh đã xuất hiện các triệu chứng viêm mũi sau khi tiếp xúc dài ngày với khói và khí hàn.
Khi An nói điều đó với chủ của mình vào tháng 1, họ hứa sẽ cho anh thay đổi nơi làm việc nếu ở lại thêm 6 tháng nữa.
Anh hỏi lại sau 6 tháng, nhưng bị từ chối. Người chủ thậm chí tống tiền, hành hung và nói An nhiễm Covid-19.
"Sau khi tôi làm được một năm, tôi hỏi lại ông chủ rằng liệu tôi có thể tìm công việc khác không. Ông ta tiếp tục từ chối". An cho biết người chủ buộc anh phải ký vào giấy đồng ý làm việc ở đó thêm 3 năm.
Một công nhân Việt Nam nói về trải nghiệm bị hành hung và tống tiền sau khi cố gắng thay đổi nơi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.
"Vào ngày 13/7, người chủ đã đo nhiệt độ của tôi và đưa tôi đến một phòng khám sức khỏe để xét nghiệm Covid-19, mặc dù tôi không có triệu chứng gì", An nói và cho biết thêm rằng anh đã bị cách ly 2 tuần trong một căn phòng nhỏ không có giường và nhà tắm.
Sau khi bị chủ lao động hành hung vào đầu tháng 9, An đã trình báo cảnh sát và đệ đơn yêu cầu được phép thay đổi nơi làm việc. Giờ đây, anh đang chờ quyết định của trung tâm việc làm địa phương.
Đại tu hệ thống
"Bất kỳ người lao động nào cũng có quyền tự do lựa chọn và thay đổi công việc. Nhưng đối với những lao động nhập cư, chính phủ Hàn Quốc đang không công nhận những quyền cơ bản này", Udaya Rai, người đứng đầu Công đoàn Người di cư cho biết.
"Đó là lý do tại sao điều kiện làm việc kinh khủng không được cải thiện".
Ra đời vào năm 2004, Hệ thống Giấy phép Việc làm là nền tảng chính thu hút lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân công trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và đánh bắt cá.
Những công việc tay chân này thường bị công nhân Hàn Quốc xa lánh vì điều kiện làm việc tồi tệ và mức lương thấp. Hiện tại, có khoảng 248.000 lao động nhập cư tại xứ củ sâm.
Hàng năm, chính phủ Hàn Quốc rà soát tình trạng thiếu lao động trong từng ngành và đưa ra hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài dựa trên nhu cầu của người sử dụng lao động. Cơ quan nhà nước đóng tại mỗi quốc gia sẽ chọn lao động nhập cư dựa trên trình độ ngoại ngữ.
Lao động nhập cư đến Hàn Quốc với một hợp đồng, ban đầu cho phép họ làm việc tối đa 3 năm. Nếu người sử dụng lao động đồng ý, họ có thể gia hạn hợp đồng thêm một năm 10 tháng.
Nếu được coi là "những người lao động siêng năng", họ sẽ có cơ hội trở lại Hàn và làm việc ở đây thêm 4 năm 10 tháng nữa.
Lao động nước ngoài chỉ được phép thay đổi nơi làm việc tối đa 3 lần trong thời gian lưu trú và chỉ trong những trường hợp ngoại lệ.
Với sự đồng ý của chủ lao động, người lao động có thể kết thúc hợp đồng và chuyển đi nơi khác. Nếu không, họ phải đưa ra bằng chứng rằng mình đã bị ngược đãi hoặc trả lương thấp hay nơi làm việc hiện tại đóng cửa.
Những người nghỉ việc mà không có sự đồng ý của người sử dụng lao động sẽ bị báo cảnh sát là nhập cư bất hợp pháp và có thể bị trục xuất.
Shiva Tharu phải trả cho ông chủ của mình 500.000 won (
440 USD) để được hủy hợp đồng. Ảnh:
Korea Herald.Jeong Jina, một luật sư tại Văn phòng Luật sư Be Life, nói rằng Hệ thống Giấy phép Việc làm (EPS) đã vi phạm các quyền cơ bản của người lao động.
"EPS được thiết kế để một người lao động nhập cư có thể làm việc tới 9 năm 8 tháng cho một chủ lao động. Một người lao động nhập cư ký hợp đồng lao động trước khi họ nhập cảnh và thậm chí không biết nhiều về chủ lao động", bà Jeong chỉ ra.
Theo luật sư hệ thống được thiết lập chỉ để tạo sự thuận tiện cho chính phủ trong quản lý người di cư và đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.
Trong khi đó, Bộ Lao động và Việc làm cho rằng những quy định gây tranh cãi của hệ thống là cần thiết vì chúng ngăn chặn việc nhập cư bất hợp pháp.
Mục tiêu chính của EPS là hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động đối với các nhà tuyển dụng quy mô vừa và nhỏ. Người lao động nhập cư chỉ có thể vào Hàn Quốc khi có chủ thuê họ, Bộ Lao động và Việc làm cho biết.
Woo Sam-yeol, Giám đốc Trung tâm Lao động Di cư Asan, cho rằng đã đến lúc Hàn Quốc phải chấm dứt việc đối xử vô nhân đạo với những người lao động nhập cư.
"Chúng ta không thể phủ nhận những người di cư bị ràng buộc với người chủ của họ bằng những điều khoản hợp đồng tương tự như nô lệ".
Ông Woo nói thêm dù là lao động nước ngoài hay trong nước, không ai phải trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức. Mọi người đều xứng đáng được trả công cho sức lao động mình bỏ ra.
Theo Zing