Đập Cảnh Hồng trên thượng nguồn sông Mê Kông ở Trung Quốc - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH GOKUNMING
Theo trang Ooska News, mực nước sông Mê Kông tại nhiều khu vực ở Lào tăng đột ngột trong mùa khô, đe dọa các loài thủy sản, động vật hoang dã và các loài thực vật thủy sinh.
Có những ngày, mực nước tăng đến 12 cm, khiến giới chức Lào nghi ngờ nguyên nhân do hệ thống đập gây tranh cãi ở Trung Quốc đã xả nước. Số liệu từ chương trình quan sát đập sông Mê Kông của Trung tâm Stimson (Mỹ) cho thấy 5 đập ở Trung Quốc đã xả nước từ ngày 29.3-4.4.
Ông Nowat Roykaew, chủ tịch Nhóm Bảo tồn Chiang Khong ở Thái Lan lưu ý rằng nước sông Mê Kông vẫn trong, dấu hiệu cho thấy nước đổ về từ các đập ở Trung Quốc, vì nếu là nước mưa thì dòng nước sẽ đục hơn.
“Sự dao động mực nước bất thường khiến toàn bộ hệ sinh thái bị ảnh hưởng”, ông lo ngại.
Những người sống nhờ dòng sông đã cảnh báo về sự thay đổi đột ngột trên, vì họ lo rằng dòng nước đổ về sẽ cuốn trôi trứng của các loài thủy sản vừa mới sinh, trong khi tổ của những loài chim sống ven sông cũng có nguy cơ bị ngập.
Trong khi đó, làn nước trong cũng mang theo ít chất dinh dưỡng cho hệ sinh thái hơn. Trước đó, vào tháng 1, mực nước sông Mê Kông ở mức thấp đáng lo ngại do đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc giới hạn xả nước để bảo trì hệ thống điện.
Trong một diễn biến khác, Đài CGTN đưa tin Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho hay Trung Quốc sẽ phối hợp với các nước sông Mê Kông nhằm thúc đẩy sáng kiến Hợp tác Lan Thương - Mê Kông (LMC), cố gắng tạo mô hình hợp tác mới cho khu vực và hướng tới phát triển và bền vững.
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi nhân kỷ niệm 5 năm thành lập LMC, ông Vương cho biết cơ chế này đã mang lại nhiều lợi ích hiển hiện cho người dân các nước
Sáng kiến Hợp tác Lan Thương - Mê Kông (LMC) gồm các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Theo thanhnien