Lễ hội bóng đá chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em
Cập nhật lúc 23:46, Thứ bảy, 26/11/2022 (GMT+7)
Sáng 26/11, trong không khí hưởng ứng Giải vô địch bóng đá FIFA World Cup, hơn 100 người dân tại Hà Nội đã tham gia Lễ hội bóng đá "Cúp Cam Đoàn kết" nhằm truyền đi thông điệp về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Sự kiện "Cúp cam đoàn kết - Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em" do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Ban Phụ nữ và Thể thao - Ủy ban Olympic Việt Nam và Trường Phổ thông liên cấp Olympia phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Chính phủ Úc.
Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của thể thao trong việc ủng hộ sự đa dạng, bình đẳng, kết nối cộng đồng và thách thức các chuẩn mực giới có hại. Lễ hội bóng đá màu cam đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện Liên Hợp Quốc, các Đại sứ quán và vận động viên, người nổi tiếng, học sinh và phụ huynh.
Một trong những điểm nhấn của sự kiện là trò chơi tiếp sức để sút bóng vào gôn. Các đội chơi bao gồm đại diện từ các cơ quan, nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau… cùng thi đấu để đạt được mục tiêu chung, tượng trưng cho sự chung tay đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, xây dựng một tương lai an toàn, bình đẳng cho tất cả mọi người.
Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực giới (25/11-10/12) và Tháng hành động quốc gia vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (15/11-15/12).
Màu cam được chọn là màu của chiến dịch vì đây là màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hy vọng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực cũng như những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Đây cũng là màu sắc gây sự chú ý cao – thể hiện cấp độ nguy hiểm và đáng báo động của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và hàng triệu trẻ em trên toàn cầu, kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan nhằm xóa bỏ vấn nạn này.
Theo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90.4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực.
Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra rằng 68% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, bị xâm hại thể chất (47%), xâm hại tình dục (20%) và bị bỏ bê (29%).
|
H.Y