leftcenterrightdel
Vận chuyển rác thải nhựa tại Lahore (Pakistan). (Ảnh: AFP/TTXVN) 

“Hành tinh của chúng ta đang ngập ngụa trong rác thải.”

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã mở đầu như vậy trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế Không Rác thải (Zero Waste Day 30/3) năm nay.

Lời cảnh tỉnh mạnh mẽ này không chỉ phản ánh thực trạng đáng lo ngại hiện tại của Hành tinh Xanh, là rác thải đang trở thành gánh nặng khổng lồ đối với Trái Đất, mà còn nêu bật sự cấp thiết phải hành động để tăng cường quản lý khủng hoảng.

Các dữ liệu công bố cho thấy thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về rác thải.

Mỗi năm, các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và nhà cung cấp dịch vụ công cộng tạo ra từ 2,1 tỷ đến 2,3 tỷ tấn chất thải rắn đô thị - từ bao bì và đồ điện tử đến nhựa và thực phẩm.

Tuy nhiên, các dịch vụ quản lý chất thải toàn cầu không được trang bị đầy đủ để giải quyết vấn đề này, với 2,7 tỷ người không được tiếp cận với dịch vụ thu gom chất thải rắn và chỉ 61–62% chất thải rắn đô thị được xử lý.

Ở các nước thu nhập thấp, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn, ước tính có khoảng 90% lượng rác thải không được xử lý đúng cách.

Ô nhiễm chất thải đe dọa đáng kể đến sức khỏe con người, sự thịnh vượng kinh tế và làm trầm trọng thêm “bộ ba” cuộc khủng hoảng của hành tinh gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, khối lượng rác thải toàn cầu có thể lên đến 3,8 tỷ tấn, kéo theo gánh nặng kinh tế cao gấp đôi, có thể lên đến 640 triệu USD vào năm 2050 (từ mức 361 triệu USD năm 2020).

Con số này cũng đã tính tới những “chi phí ẩn” liên quan đến việc xử lý rác kém hiệu quả dẫn tới ô nhiễm, suy giảm sức khỏe và biến đổi khí hậu.

Để giải quyết vấn đề cấp bách này, cuối năm 2022, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tuyên bố ngày 30/3 hằng năm là Ngày quốc tế Không Rác thải.

Ngày Quốc tế Không Rác thải năm nay nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường quản lý chất thải trên toàn cầu và tầm quan trọng của các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Sự kiện tôn vinh các sáng kiến “không rác thải” ở mọi cấp độ, góp phần thúc đẩy Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.

leftcenterrightdel
 Mỗi năm, các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và nhà cung cấp dịch vụ công cộng tạo ra từ 2,1 tỷ đến 2,3 tỷ tấn chất thải rắn đô thị. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Liên hợp quốc, “không rác thải” là cách tiếp cận nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, xử lý rác thải trong một hệ thống tuần hoàn và khép kín, tài nguyên được tái sử dụng nhiều nhất có thể và hạn chế ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước.

Các sáng kiến “không rác thải” có thể thúc đẩy quản lý rác thải hiệu quả, giảm thiểu và ngăn chặn rác thải, giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng của hành tinh, bảo vệ môi trường, tăng cường an ninh lương thực và cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của con người.

Theo giới chuyên gia, các sáng kiến “xanh” có thể giúp các chính phủ tiết kiệm 70 tỷ USD vào năm 2040 và tạo thêm 700.000 việc làm.

Nếu có các biện pháp hiệu quả, chi phí do rác thải gây ra trên toàn cầu mỗi năm có thể giảm xuống còn 270 tỷ USD vào năm 2050.

Thậm chí, Liên hợp quốc lưu ý mục tiêu này có thể nâng cao hơn, bằng cách chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó phát triển kinh tế không đồng nghĩa là rác thải tăng.

Có thể kể đến như việc áp dụng các thông lệ kinh doanh bền vững, quy trình xử lý rác thải hoàn thiện hơn, có thể mang về khoản thu ròng hơn 100 tỷ USD mỗi năm.

Hiện nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực giảm rác thải thông qua các biện pháp thúc đẩy mô hình sản xuất-tiêu dùng bền vững và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Ngày 15/3 vừa qua, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua dự luật mới của EU về cắt giảm rác thải bao bì và cấm đồ nhựa dùng một lần từ ngày 1/1/2030.

Thỏa thuận cũng mở đường cho việc thiết lập các hướng dẫn về xử lý chai nhựa và lon hộp. Đến năm 2029, các quốc gia thành viên phải đảm bảo thu gom riêng biệt ít nhất 90% các loại bao bì này mỗi năm.

Tại châu Á, Israel hồi đầu năm nay thông báo sẽ tiếp tục cấp 15 triệu NIS (khoảng 4 triệu USD) trong năm thứ hai liên tiếp, để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu tiên phong tận dụng năng lượng từ rác thải.

Thái Lan sáng chế kỹ thuật biến rác thải thực phẩm thành than sinh học, trong khi một công ty Nhật Bản tái chế rác thải xây dựng thành nhiên liệu hàng không bền vững.

leftcenterrightdel
 Thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Tại Việt Nam, Chính phủ nhận thức rõ “không rác thải” là một giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu xử lý 85% lượng rác thải nhựa và giảm 50% lượng rác thải nhựa ra biển và đại dương.

Việt Nam cũng xây dựng Chương trình hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương với mục tiêu giảm 75% đến năm 2030.

Để đạt “không rác thải,” Việt Nam cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện, toàn xã hội với sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy để đạt được mục tiêu thế giới không rác thải đòi hỏi phải có hành động ở mọi cấp độ từ tất cả các bên liên quan.

Người tiêu dùng có thể thay đổi thói quen tiêu dùng và tái sử dụng, sửa chữa sản phẩm càng nhiều càng tốt trước khi thải bỏ đúng cách.

Chính phủ, cộng đồng, các ngành công nghiệp và các bên liên quan khác phải cải thiện hoạt động tài chính và hoạch định chính sách, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng rác thải tác động không tương xứng đến những người bị thiệt thòi, người nghèo ở thành thị, phụ nữ và thanh niên.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Không rác thải năm nay, cũng cho rằng tương lai “không rác thải” cần phải có sự chung tay của cộng đồng quốc tế.

Ông kêu gọi thế giới đoàn kết và nỗ lực đạt được một hiệp ước mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa để “kết thúc vòng đời của rác thải, một lần và mãi mãi.”./.

Theo vietnamplus