Liên Hợp Quốc cảnh báo toàn Trái Đất
Cập nhật lúc 21:23, Thứ sáu, 07/06/2024 (GMT+7)
Nhiệt độ trung bình của thế giới trong 12 tháng gần nhất vừa tăng 1,63 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây giai đoạn nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
|
|
Cơ quan Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng gần nhất đã cao hơn 1,63 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ảnh:Pixabay. |
Cơ quan Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng gần nhất đã cao hơn 1,63 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức tăng cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử khí hậu thế giới.
Tuy nhiên, mức nhiệt trung bình 12 tháng gần nhất chưa phản ánh toàn diện các vấn đề khí hậu của thế giới. Bởi lẽ, theo CNA, ngưỡng nóng lên toàn cầu vẫn chưa vượt mốc 1,5 độ C - đơn vị đo lường đòi hỏi sự thống kê nhiệt độ trong nhiều thập kỷ.
Dù vậy, các nhà khoa học cảnh báo Trái Đất “đã đến rất gần” ngưỡng này. Trong một báo cáo độc lập, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc cho biết có 80% khả năng ngưỡng nhiệt trung bình toàn cầu sẽ nóng thêm 1,5 độ C trong 5 năm tới.
Nhận xét về những báo cáo này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Thế giới đang đi lệch hướng ngày càng nhanh và không thể trở lại giai đoạn khí hậu ổn định như trước đây”.
“Năm 2015, khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C gần như bằng 0”, ông Guterres cho biết trong bài phát biểu nhân ngày Môi trường Thế giới.
Khi không còn nhiều thời gian để “đảo ngược tình thế”, ông Guterres kêu gọi thế giới cắt giảm 30% sản lượng và mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trước năm 2030. “Trái Đất cần một lối thoát hiểm để thoát khỏi con đường dẫn đến hỏa ngục”, ông nói. “Cuộc chiến vì 1,5 độ C sẽ ngã ngũ trong thập kỷ này”.
Theo lifestyle.znews