leftcenterrightdel
 Một siêu thị ở London vào tháng 6. Ảnh: Reuters.

Stacey Smith lấy hộp trà từ kệ thấp trong một siêu thị ở London vào hôm 17/8, sau đó gọi điện cho người hàng xóm đã nhờ cô mua chúng.

“Sản phẩm đã tăng 20 xu”, cô nói. "Bạn có còn muốn lấy chúng không?"

Người hàng xóm của cô chấp nhận việc tăng giá, điều mà Smith - trợ lý giảng dạy và đồng thời là bà mẹ đơn thân ba con - không thể làm được. Sau khi mua trà, cô đến Aldi - một siêu thị rẻ hơn - để mua sắm cho gia đình.

Trong những tháng qua, khi giá lương thực tăng cao ở Anh, Stacey Smith đã cắt giảm thịt và thay vào đó là mì ống cùng nước sốt. Các con của cô không còn đi học bơi, và bị mẹ hạn chế đi đến tủ lạnh để lấy đồ ăn nhẹ. Smith cũng từ chối khi các con xin tiền để chơi bowling.

“Chúng tôi cần số tiền đó để mua thức ăn”, Smith, người kiếm được khoảng 1.400 USD/tháng cho biết. “Trước đây, chúng tôi phải cố gắng xoay sở để chi tiêu sao cho ‘khỏi bị chết chìm’. Nhưng bây giờ, chúng tôi đang chìm theo đúng nghĩa đen”.

Ở Anh, lạm phát đã tăng 10,1% trong tháng 7 so với một năm trước đó. Giá tiêu dùng đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982, theo New York Times.

Nói không nhiều hơn

Nhiều người Anh, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương nhất, đã phải gánh chịu hậu quả của lạm phát, và phải “hy sinh” nhiều hơn trong cuộc sống.

Họ nói “không” với con cái họ thường xuyên hơn, đi đến nhiều siêu thị hơn để tìm giảm giá và xếp hàng tại các ngân hàng thực phẩm để nhận đồ ăn miễn phí.

Một số người Anh lo ngại rằng các nhà lãnh đạo đã để đất nước rơi vào tình trạng “mất bánh lái” và không có ai kiểm soát, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Chính phủ đang bị lôi kéo vào một quá trình chuyển đổi lãnh đạo, với Thủ tướng Boris Johnson chỉ còn vài tuần cuối cùng làm việc ở Phố Downing trước khi người kế nhiệm ông được công bố vào ngày 5/9. Quốc hội Anh gần đây không còn mở các phiên họp, trong khi kỳ nghỉ đang diễn ra và ông Johnson được phát hiện ở Hy Lạp vào cuối tuần qua.

Giữa lúc đó, người dân đang phải vật lộn và thường buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.

Tại siêu thị giá rẻ tập trung bán thực phẩm đông lạnh ở Iceland, Tainara Graciano, 51 tuổi, một nhân viên dọn phòng ở London, xách giỏ hàng chứa hai hộp trứng và gà viên chiên được giảm giá do hết hạn trong ngày.

Cô cũng cắt giảm lượng nước đóng chai kể từ khi giá bắt đầu tăng lên.

“Thằng bé uống rất nhiều”, cô nói khi nhìn cậu con trai 11 tuổi của mình.

Sau đó, cô ấy chỉ vào chiếc giỏ còn trống một nửa và chia sẻ: "5 tháng trước, tôi đã xách hai chiếc như vậy".

leftcenterrightdel
Người dân đi đến nhiều siêu thị hơn để tìm giảm giá. Ảnh: Shutterstock. 

Bên kia đường, Arwen Joseph, 47 tuổi, đang mua sắm đồ gia dụng tại cửa hàng giá rẻ Poundland.

Cô Joseph, người đang hưởng trợ cấp của chính phủ và đôi khi nhận thức ăn miễn phí từ ngân hàng thực phẩm, cho biết việc mua các loại thực phẩm lành mạnh, phù hợp với bệnh dị ứng của cô ngày càng khó hơn.

Do đó, cô đã cắt giảm các mặt hàng chi tiêu khác.

“Nhà con thường ăn kem hoặc uống trà sữa mỗi tuần một lần”, cô con gái 9 tuổi của Joseph, Georgia Gold, cho biết."Nhưng bây giờ không còn như trước nữa".

Sức ép lên ngân hàng thực phẩm

 Các tình nguyện viên tại ngân hàng thực phẩm cho biết họ bị bối rối và phải vật lộn để kịp đáp ứng nhu cầu khi ngày càng có nhiều người đến yêu cầu giúp đỡ.

Solomon Smith, người điều hành Brixton Soup Kitchen ở Nam London, nơi cung cấp bữa ăn nóng và các thực phẩm khác cho người có nhu cầu, cho biết số người đến đã tăng hơn gấp đôi trong những tháng gần đây.

“Mọi người nói với chúng tôi rằng họ không ăn uống đúng cách trong nhiều ngày”, ông nói. “Một số người đã buộc phải vào cửa hàng để ăn trộm. Những người khác không biết liệu họ có nên trả tiền xăng hay ăn thức ăn hay không”.

Bản thân ngân hàng thực phẩm cũng không thoát khỏi sức ép lạm phát. Theo ông Smith, họ phải cắt giảm việc mua thực phẩm, khi chứng kiến các khoản quyên góp cạn kiệt.

“Chúng tôi không có đủ để cung cấp cho tất cả người đến”, ông nói. "Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra vào tuần tới".

Người dân trên khắp nước Anh đang đối mặt với những vấn đề tương tự.

Tại ngân hàng thực phẩm Blackburn, ở phía bắc nước Anh, số nhân viên làm việc toàn thời gian đang tăng lên khi tiền lương không theo kịp với lạm phát.

“Mọi người rất sốc khi họ rơi vào tình trạng này", Gill Fourie, giám đốc của Blackburn, nói. “Nhiều người thậm chí không có gas và điện để nấu ăn”.

leftcenterrightdel
Các ngân hàng thực phẩm cũng không thoát khỏi sức ép lạm phát. Ảnh: Reuters. 

Ngay cả những người có mức sống tốt hơn cũng phải xem xét ví của họ.

Melanie McHugh, một nữ diễn viên, đã ngừng mua bơ và chuyển sang ăn nhãn hiệu xúc xích chorizo giá rẻ hơn.

“Tôi hiểu rằng mình vẫn là người may mắn”, cô nói. "Nhưng tôi cũng thấy rằng thói quen của tôi đã thay đổi".

Chính phủ Anh đã phân bổ khoảng 18 tỷ USD trợ cấp cho các gia đình dễ bị tổn thương nhất.

Smith, mẹ của ba đứa trẻ, cho biết cô đã nhận được khoảng 360 USD trong tháng này. Cô cũng đã dự trữ xà phòng giặt, nhưng nói rằng điều đó không làm cô ấy bớt lo lắng.

Smith bắt đầu nghĩ đến việc bán chiếc xe của mình và kiếm một công việc khác, như đi dọn dẹp vào cuối tuần.

“Đó không phải là điều tôi muốn làm”, cô nói. "Nhưng tôi phải làm những gì tôi cần để tồn tại".

Theo zingnews